MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một rùa mẹ đang bò lên bãi biển đẻ trứng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trắng đêm đỡ đẻ cho rùa ở Côn Đảo

Ninh Linh LDO | 17/09/2023 07:14

10 ngày rời xa thành thị ồn ào, không khói bụi, sống thiếu điện, thiếu nước, điện thoại thường xuyên mất sóng, nhưng được “đắm chìm” giữa thiên nhiên trong lành, đối với chàng trai người Tiền Giang, đó quả là những trải nghiệm tuyệt vời, không thể quên được.

Từng làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển từ năm 2016 tại Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận, tháng 6 năm nay, anh Quan Nguyên Phát lại tiếp tục xách balo lên và tham gia một chương trình tương tự khác tại Vườn quốc gia Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khó khăn nơi hải đảo

Lần này, nhóm bảo tồn rùa biển của Phát bao gồm nhiều thành viên đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Có người từ Thủ đô Hà Nội, có người từ Sài Thành sôi động, có người đến từ miền biển Phú Yên, có người đến từ vùng cao nguyên Lâm Đồng... nhưng tất cả đều một lòng yêu mến thiên nhiên mà gặp nhau trên một hải đảo xa xôi.

Hòn Bảy Cạnh, nơi Phát và các thành viên khác “tạm trú” trong 10 ngày, mang vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng. Bãi biển ở đây có cát trắng trải dài và nước biển xanh biếc ôm trọn màu xanh dịu mát của cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây đặc biệt.

Phát cho hay, mùa rùa biển đẻ trứng cũng là thời điểm mặt trời mọc sớm. Vì thế, tiết trời mùa hè tại vùng biển rất đúng với câu truyền miệng dân gian "Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng", từ khoảng 5h đã thấy rõ bãi biển, mây trời và đến 7h, mặt trời đã vượt qua khỏi đỉnh núi.

Ánh nắng phản chiếu, nước biển càng trong vắt, lấp lánh như thuỷ tinh, thậm chí những nơi gần bờ có thể nhìn thấy cả đá ngầm, bãi san hô...

“Khi đi rừng tại đây, bạn dễ dàng bắt gặp một số loài động vật rừng như: Sóc đen, gà rừng, bồ câu Nicoba... Tôi thấy thời tiết ở đảo khá dễ chịu, dù là mùa hè nhưng chỉ cần ngồi dưới tán cây cũng cảm nhận được sự mát mẻ của rừng, của biển. Về đêm, bầu trời càng huyền diệu, chúng tôi có thể thoải mái nhìn ngắm dải ngân hà trên bầu trời trong vắt”, Phát hạnh phúc nhớ lại.

Hầu hết tình nguyện viên làm việc vào buổi tối, thậm chí có những đêm phải thức trắng để canh rùa đẻ. Ca trực đầu tiên từ 19h đến 23h, ca sau từ 3h đến 6h sáng hôm sau. Thời gian sinh hoạt và làm việc tại Côn Đảo là những ngày thật sự dài cả về nghĩa đen và nghĩa bóng đối với Phát bởi khối lượng công việc nhiều, việc nối tiếp việc. Đa phần mọi người đều thiếu ngủ.

Phát kể: “Một đêm ngồi canh rùa, tôi được hỏi nếu tiếp tục như vậy 6 tháng em có chịu nổi không? Tôi trả lời không ngần ngại, “Em có thể chịu được”. Nhưng sau này, tôi mới hiểu rõ câu hỏi kia. Về nhà, tôi toàn ăn và ngủ. Tôi ăn nhiều gấp đôi bình thường vì đã tiêu tốn nhiều năng lượng trong 10 ngày. Tôi lúc nào cũng thèm ngủ, ngủ bù nhiều ngày qua vẫn chưa đủ”.

Di dời trứng rùa giúp tăng tỉ lệ nở của trứng. Trứng rùa tròn như quả bóng bàn với lớp vỏ đàn hồi tốt, không dễ vỡ như trứng gà. Dù vậy, khi di dời trứng, các tình nguyện viên phải nhẹ tay.
Tình nguyện viên đào cát, gom trứng rùa để đưa về hồ ấp, sau đó ghi chép thông số để theo dõi.
Nguyên Phát giúp rùa mẹ đào hang đẻ trứng.

10 ngày dài mà ngắn ngủi

Khó khăn là vậy nhưng quả thực, 10 ngày ấy vẫn là những trải nghiệm hiếm có khó tìm trong cuộc sống đối với Phát. Điều làm anh xúc động nhất trong những ngày tham gia bảo tồn rùa biển là vào đêm thứ 4, anh chứng kiến một con rùa mẹ mất một chân sau bò lên bãi biển đẻ trứng.

Anh nhớ lại: “Hai chân sau của rùa mẹ có tác dụng rất quan trọng trong việc đào lỗ đẻ trứng. Một lỗ cần sâu từ 40 - 60cm. Việc mất một chân sau khiến rùa mẹ phải cố gắng gấp đôi bình thường để hoàn thành việc này. Tôi ngồi cạnh lắng nghe từng nhịp thở của rùa mẹ, chăm chú quan sát từng quả trứng rơi xuống cát. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ không quên dùng chút sức lực còn lại để lấp tổ, xóa dấu vết để bảo vệ trứng.

Cuối cùng, rùa mẹ phải nghỉ lấy hơi mấy lần để bò về biển. Rùa mẹ thật may mắn khi tồn tại với tỷ lệ sống sót 1/1.000. Điều kỳ diệu là dù mất một chân, rùa mẹ vẫn hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình”.

Công việc di dời tổ trứng không theo một thời gian cố định, tuỳ theo con nước thuỷ triều lên xuống. Hôm nào sớm sẽ bắt đầu từ 7h tối đến 1 - 2h đêm, nhiều đêm có đến 2 con nước sẽ phát sinh ca trực từ 3h cho đến sáng.

Vào đêm thuỷ triều lên sớm, xuống chậm, số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều, lực lượng kiểm lâm và các tình nguyện viên phải thức trắng đêm để hoàn thành di dời tất cả ổ trứng. Cao điểm, có đêm có đến 28 tổ trứng được di dời, số lượng trứng nhiều nhất trong một tổ là 193 trứng.

Trứng rùa phải được di dời trong khoảng 6 giờ kể từ khi được rùa mẹ đẻ ra, vì đây là thời gian phôi tạm dừng phát triển, có thể chịu đựng được va chạm nhẹ và xáo trộn. Khu vực ấp là một sân cát đã được làm sạch cỏ, rễ cây, đá... để đảm bảo môi trường thuận lợi nhất cho trứng nở.

Còn buổi sáng, các tình nguyện viên sẽ tham gia hỗ trợ, hướng dẫn du khách thả rùa con đúng cách. Công việc bao gồm đào lỗ, chôn cọc, căng dây, tuyên truyền về tình hình nguy cấp, tỉ lệ sống sót và trưởng thành thấp 1/1.000, tăng thêm nhận thức của du khách về rùa biển cũng như dọn rác, làm sạch bãi biển, vẽ tranh, thiết kế bảng biểu tuyên truyền những thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn rùa biển, chỉnh trang cảnh quang tại trạm kiểm lâm thêm sạch đẹp.

“Sau những ngày ở hòn Bảy Cạnh, tôi học được những kiến thức về rùa biển, có thêm những kinh nghiệm cuộc sống, kỹ năng đi rừng từ những bạn tình nguyện viên khác. Trải qua những ngày thiếu thốn vật chất nhưng lại giàu tình cảm, tôi càng thêm trân quý cuộc sống, biết đủ với những gì đang có, biết chia sẻ với cuộc đời nhiều hơn”, Phát bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn