MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh một trong bốn cửa Ga ngầm C9 ven hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Nguồn: BQL DA ĐƯỜNG SẮT HN

Tranh cãi quanh dự án xây dựng ga ngầm ven hồ Hoàn Kiếm

Đặng Tiến LDO | 30/03/2021 14:41

Sau hơn 15 năm nghiên cứu với rất nhiều lần lấy ý kiến, điều chỉnh quy hoạch vị trí và thiết kế, dự án ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trước nguy cơ dự án bị chậm tiến độ. Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội chiều 28.3.2021, UBND TP.Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận vị trí nhà ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt.

Kết nối người dân đến với di sản

Với đề xuất ga ngầm C9 được đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Đường hầm chạy dưới lòng đất chỉ cách chân Tháp Bút 1m. phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, thân ga cách Tháp Bút 36m, khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.

Theo đại diện BQL đường sắt đô thị Hà Nội, quá trình nghiên cứu quy hoạch, xác định hướng tuyến và vị trí các ga của tuyến đường sắt đô thị số 2 được khởi đầu từ năm 2004 thông qua Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP). Đây là chương trình nghiên cứu thực hiện theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thông qua cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Quá trình nghiên cứu đã nhiều lần được lấy ý kiến các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân về vị trí hướng tuyến, các ga và đã nhận được sự đồng thuận cao.

Theo đó, quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 được đơn vị tư vấn thực hiện đầy đủ các công đoạn từ khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình... đến đánh giá tác động môi trường, xã hội, không gian văn hóa... tuân thủ các yêu cầu và thẩm định khắt khe của Nhà tài trợ JICA theo chuẩn mực quốc tế và các quy định pháp luật của Việt Nam. Viện Khảo cổ học đã thực hiện khảo sát, lập báo cáo đánh giá khảo cổ học tuân thủ theo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội hiện là đô thị 10 triệu dân, giao thông đang trở thành vấn đề hết sức quan trọng và có xu hướng ngày càng diễn biến xấu đi. Do đó, đường sắt đô thị có vai trò rất quan trọng đối với Hà Nội, nếu chậm phát triển đường sắt đô thị ngày nào, thành phố sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về ùn tắc giao thông ngày đó.

Việc lựa chọn vị trí đặt ga ngầm C9 đã được công khai và bàn thảo qua rất nhiều lần mới chốt được phương án hiện tại, các bộ ban ngành cũng đã cơ bản thống nhất. Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần tập tập trung vào bàn các chi tiết về mặt kỹ thuật, kiến trúc… trong quá trình thực hiện thi công. Hồ Gươm là di sản mang cả không gian mở công cộng nên cần phải có kiến trúc mở. Ga C9 sẽ trở thành nơi kết nối, đưa mọi người đến với di sản, bởi vậy cần thiết kế phù hợp với công năng cũng như hài hòa với cảnh quan khu vực.

Cùng phát triển và bảo tồn di tích lịch sử

Trước đó, ngày 4.10.2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 3984/BVHTTDL-DSVH gửi tới UBND thành phố Hà Nội nêu ý kiến về phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị 2, thành phố Hà Nội. Theo đó, phương án thiết kế mà UBND thành phố Hà Nội lựa chọn gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường văn hóa và sinh thái khu vực.

Phương án này có thể tạo ra những rung chấn ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu ở phía đối diện. Cùng đó sẽ gây ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực, với những không gian mặt nước và cây xanh lâu năm đã đi vào tiềm thức của mọi người dân bị thay đổi khi nơi đây trở thành công trường thi công trong thời gian dự kiến là 3 năm; tạo nên nguy cơ tắc nghẽn giao thông khi trở thành điểm tiếp nhận lượng hành khách lớn vào trung tâm Hà Nội, nơi vốn đã có mật độ giao thông cao.

Một số ý kiến cho rằng, nên bỏ ga C9 đi mà chạy thẳng từ C8 đến C10, như vậy sẽ không đảm bảo được độ dài của các nhà ga và hướng tiếp cận hành khách. Nếu đặt nhà ga quá xa trung tâm sẽ không phục vụ người dân và không hiệu quả kết nối.

Trước văn bản 3984/BVHTTDL-DSVH, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực không hề gây tác động phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích. UBND thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần khẳng định không đánh đổi hồ Hoàn Kiếm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu phù hợp, lớp đất phủ bên trên dày ít nhất khoảng 12m, bảo đảm mức lún bề mặt thấp nhất trong quá trình thi công, vận hành nên không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến hầm. Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, nhiều người dân sống trong khu vực đều chia sẻ, việc xây dựng nhà ga C9 để phát triển đô thị là cần thiết, nhưng thành phố cần nghiên cứu, xem xét việc đặt nhà ga cạnh di tích sao cho phù hợp với việc bảo tồn và phát triển thành phố.

Theo ông Đoàn Bửu trú tại phố Ngô Quyền, đã nghe việc xây dựng nhà ga tại khu vực Tháp Bút nhưng cần nghiên cứu phương án hợp lý tránh ảnh hưởng đến khu di tích tâm linh này.

Tại buổi làm việc, với Thủ tướng Chính phủ chiều 28.3.2021, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - ông Chu Ngọc Anh đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận vị trí nhà ga C9 theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt. Đồng thời giao Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng thống nhất các yếu tố, điều kiện về kỹ thuật chạy tàu, yêu cầu của Luật Di sản Văn hóa để xác định cụ thể phạm vi, các yêu cầu của lối lên, xuống và các yêu cầu về kỹ thuật khác để thiết kế, hạn chế ít nhất ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.

Đồng thời, mong Thủ tướng quan tâm tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn