MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trào lưu "share ảnh tặng 10.000 đồng vào quỹ bảo vệ y bác sĩ". Ảnh: Trần Tuấn.

Tranh cãi trào lưu "share ảnh tặng 10.000 đồng vào quỹ bảo vệ y bác sĩ"

Trần Tuấn LDO | 05/08/2020 08:18

Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, trào lưu "share ảnh tặng 10.000 đồng vào quỹ bảo vệ y bác sĩ" tạo nên những ý kiến tranh luận trái chiều.

Chia sẻ ảnh gắn thêm tên của doanh nghiệp

Những ngày gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh và thông tin về một quỹ có tên "bảo vệ bác sĩ 24h".

Theo đó, hình ảnh các bác sĩ mặc đồ bảo hộ chống dịch, ở một góc của ảnh có gắn tên một thương hiệu sữa đang lưu hành trên thị trường, ở giữa bức ảnh là dòng chữ: chia sẻ bức ảnh này kèm hagtag "V.T (tên viết tắt của thương hiệu) baovebacsi24h", đã được lan truyền rộng rãi. Mỗi lượt chia sẻ bức ảnh này, đơn vị sở hữu nhãn hàng trên sẽ thay bạn góp vào quỹ "bảo vệ bác sĩ 24h" 10.000 đồng.

Ngay sau khi bức ảnh này được lan truyền tạo thành một làn sóng trên mạng xã hội Facebook đã gây ra những ý kiến tranh luận trái chiều.

Người nổi tiếng cũng chia sẻ thông điệp trên. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều bạn đọc cho rằng đây là hành động rất nhân văn, không tiếc gì một "share" để lan toả, ủng hộ các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch. Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến phản bác.

Bạn đọc Phan Mạnh Hà (quận 3, TPHCM) bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, doanh nghiệp đã có lòng thì đừng ra điều kiện phải gắn tên công ty, thương hiệu của mình vào, cứ thật tâm vì các y bác sĩ đi, xã hội sẽ công nhận và rồi khách hàng sẽ ủng hộ".

Bạn đọc, Thái Mạnh Thắng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì cho rằng doanh nghiệp trên đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung ra một chiến lược truyền thông - quảng cáo giá rẻ. 

Một quan điểm liên quan vụ việc cũng nhận được nhiều sự đồng tình. Ảnh chụp màn hình.

"Mỗi người thường có từ vài trăm đến vài ngàn người bạn có thể tiếp cận hình ảnh trên khi chia sẻ, như vậy doanh nghiệp còn tiết kiệm hơn là chạy quảng cáo trả tiền cho Facebook rất nhiều", anh Thái Mạnh Thắng phân tích.

"Cần nhìn nhận tích cực"

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, chuyên gia truyền thông mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long cho biết, cách làm như của nhãn hàng trên đang thực hiện là chiến dịch viral (lan toả) chứ không phải quảng cáo.

"Khi thực hiện một chương trình viral, đương nhiên doanh nghiệp là người đầu tiên có lợi, bởi thương hiệu của họ được đề cập tới, được nhắc tới một cách tự nhiên. Tuy nhiên ở trong chiến dịch này, nhãn hàng đã lồng ghép thông điệp kêu gọi chung tay bảo vệ y bác sĩ. Vì vậy, đối tượng là các y bác sĩ cũng được hưởng lợi, không chỉ từ số tiền quyên góp được mà còn về việc đánh động ý thức cộng đồng liên quan đến phòng chống dịch, vai trò của đội ngũ y bác sĩ tuyền đầu chống dịch. 

Đây là chiến dịch tất cả các bên cùng có lợi: nhãn hàng, các y bác sĩ và cộng đồng", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích.

 Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long. Ảnh: NVCC.

Theo vị chuyên gia này, bất cứ một chương trình thiện nguyện nào, đơn vị tổ chức - dù là doanh nghiệp hay không, cũng đều phải có lợi ở trong đó, và cần nhìn nhận vấn đề này dưới góc nhìn tích cực.

"Chúng ta nên cổ suý cho việc làm này, để cuối cùng khi doanh nghiệp làm một hoạt động từ thiện mà họ thu về một cái lợi và đối tượng tiếp nhận cũng có cái lợi thì doanh nghiệp mới có mong muốn để tiếp tục từ thiện và việc thiện nguyện đó mới bền vững được", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long khẳng định.

Đồng quan điểm Ths Nguyễn Phan Anh, chuyên gia về Marketing online cho biết, cách làm truyền thông của doanh nghiệp trên không có gì vi phạm đạo đức, pháp luật hay cạnh tranh.

Chuyên gia Nguyễn Phan Anh. Ảnh: NVCC.

"Một chiến dịch truyền thông mà rẻ hơn chạy quảng cáo Facebook thì cần phải dành lời ngợi khen cho ekip thực hiện bởi thay vì bỏ số tiền lớn phải trả cho Facebook thì số tiền này lại được dành tặng đến các y bác sĩ, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Như vậy ý nghĩa hơn rất nhiều”, ông Phan Anh nói.

"Cần quan tâm cam kết của doanh nghiệp có thật hay không?"

Theo chuyên gia Nguyễn Phan Anh, điều mà cộng đồng nên quan tâm là lời cam kết của doanh nghiệp có thật hay không. Những thông tin chính thức cần được cập nhật thường xuyên trên website của doanh nghiệp. Số tiền thu được sau khi triển khai chiến dịch cũng cần được công khai, minh bạch: cụ thể chuyển đến những ai, sử dụng vào việc gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn