MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lối ra vào hầm để xe bị chặn lại, gây nên cảnh tượng ùn tắc nhiều giờ tại chung cư cao cấp Artemis. Ảnh: Hoàng Xuyến

Tranh cãi về tăng phí gửi xe ở chung cư chưa có hồi kết

Tùng Giang LDO | 15/11/2023 08:00

Từ đầu năm 2023, phí dịch vụ trông giữ phương tiện tại các chung cư ở Hà Nội có xu hướng tăng. Dù chủ đầu tư các dự án chung cư đều khẳng định, sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ nhưng nhiều cư dân không đồng thuận dẫn đến mâu thuẫn, tranh cãi kéo dài không hồi kết.

Căng thẳng, mâu thuẫn vì phí gửi xe tăng cao

Theo ghi nhận, nhiều khu chung cư tại Hà Nội hiện nay đang thu phí trông giữ xe ôtô ở khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Phí dịch vụ trông giữ loại phương tiện này tại các chung cư nhìn chung có xu hướng tăng từ 10 - 25%. Đơn cử như: tòa nhà Việt Đức Complex (quận Thanh Xuân) phí gửi xe ôtô hiện nay ở mức 1,35 - 1,8 triệu đồng/tháng; phí trông giữ xe tại The Legend 109 Nguyễn Tuân, dao động từ 1,2 - 2,2 triệu đồng/xe/tháng…

Gần nhất, chung cư cao cấp Artemis (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) áp phí gửi ôtô lên 2,3 triệu đồng/xe/tháng và sẽ tiếp tục nâng lên mức 2,5 triệu đồng/xe/tháng bắt đầu từ tháng 1.2024 (trước đó là 1,5 triệu đồng/xe/tháng).

Cho rằng mức phí tăng này là vô lý vì quá cao, từ sáng ngày 6.11, nhiều cư dân chung cư Artemis đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư MHL đồng thời tố hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại công trình không đảm bảo.

Đến ngày 8.11, hàng loạt ôtô đang đỗ ở hầm chung cư Artemis bất ngờ bị chủ đầu tư khóa bánh, lối ra vào hầm để xe bị chặn lại gây nên cảnh tượng ùn tắc nhiều giờ khiến người dân vô cùng bức xúc. Theo các cư dân tại Artemis, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do cư dân không đồng thuận trước yêu cầu đóng phí gửi xe theo khung giá mới mà chủ đầu tư đưa ra.

Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, ông Võ Đông Tùng - Tổng Giám đốc Công ty thành viên IMG - Đại diện chủ đầu tư của dự án chung cư Artemis - cho biết, ngay sau vụ việc trên, đơn vị đã có công văn chính thức gửi cư dân. Cụ thể, từ khoảng 9 ngày 8.11.2023, khu vực hầm xe Artemis đã bị một số đối tượng xấu cố ý đỗ xe chặn cửa ra của hầm, khiến các xe ôtô không thể ra khỏi hầm và gây tình trạng ách tắc nghiêm trọng.
Song, theo người dân phản ánh, việc xe của cư dân không thể ra ngoài được do chốt không có bảo vệ và bị chặn bởi barie nên dẫn đến tình trạng hàng loạt xe nối đuôi nhau tắc nghẽn ở hầm.

“Về việc tăng phí gửi xe, chúng tôi đã thực hiện đúng quy định pháp luật, số tiền đưa ra để tính phí gửi xe phù hợp với chất lượng dịch vụ, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, thông minh” - ông Tùng khẳng định.

Sau loạt lùm xùm giữa hai bên, cư dân chung cư Artemis đã gửi đơn tố cáo chủ đầu tư về các vi phạm liên quan đến hệ thống PCCC của tòa nhà. Về việc này, mới đây, Công an quận Thanh Xuân cho biết, sẽ tổ chức kiểm tra, xác minh các nội dung tố cáo tại tòa nhà trung tâm thương mại, văn phòng căn hộ Artemis. Cụ thể, kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống PCCC tòa nhà; cửa thoát nạn, thoát hiểm từ 1 - 9 (cửa thoát nạn tự động thang máy tầng 3 và tầng 5 tại trung tâm thương mại) bị bịt, đóng kín; đồng thời xác minh việc chấp hành Quyết định đình chỉ hoạt động của chủ đầu tư.

“Hãy để cơ chế thị trường quyết định”

Liên quan đến giá thu phí phương tiện tại các chung cư hiện nay, trao đổi với Lao Động, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho rằng: Do thiếu định chế về các trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân nên đa phần các vụ việc tương tự thường khó có hồi kết.

“Cư dân rất khó đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư bởi, phải thông qua chính quyền địa phương. Còn chính quyền khi tiếp cận giải quyết lại bị phụ thuộc vào chủ đầu tư. Do vậy, sự trao đổi đó sẽ là vô vọng vì không có định chế nào bắt chủ đầu tư phải đối thoại với cư dân, dẫn đến tranh cãi kéo dài” - KTS Trần Huy Ánh nói.

Cũng theo vị chuyên gia, đối với các dự án thương mại, đơn cử như chung cư thương mại, chung cư cao cấp, các dịch vụ, tiện ích sẽ không thể có giá rẻ. Chủ đầu tư phải đảm bảo mức giá phù hợp với quy định, nhưng giá đưa ra cũng cần tuân thủ nguyên tắc thu bù chi. Do vậy, việc thương lượng giữa các bên rất quan trọng.

“Tôi cho rằng, quy luật của kinh tế thị trường sẽ quyết định mức giá này. Người yêu cầu dịch vụ vẫn có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp theo mức giá phù hợp với túi tiền của họ. Còn nếu không còn lựa chọn nào khác, thì ai là chủ tài sản sẽ quyết định mức giá” - KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến trung tuần tháng 2 năm 2023, thành phố có hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông. Trong đó, ôtô có hơn 1 triệu xe. Dân số với khoảng trên 8 triệu người (cứ 8 người sẽ có 1 người sở hữu ôtô) cho thấy, số lượng xe tăng lên nhưng tỉ lệ diện tích giao thông tĩnh lại không thay đổi.

Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - Nguyễn Thế Điệp nhấn mạnh, để đưa ra mức thu phí phù hợp, đúng quy định pháp luật, chủ đầu tư cần căn cứ thực tế tại từng điểm trông giữ phương tiện đối chiếu theo quyết định số 44/2017/QĐ-UBND của TP Hà Nội và hướng dẫn tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17.02.2014 của Bộ Tài chính. Cụ thể, tại các tuyến đường, phố thuộc các quận nằm trong đường Vành đai 3 và trên Vành đai 3; các tuyến đường, phố nằm ngoài vành đai 2 thuộc quận Long Biên, mức phí theo tháng tối đa là 1,8 triệu đồng; còn dự án thuộc các tuyến đường, phố thuộc các quận nằm trong đường Vành đai 2 và trên Vành đai 2 sẽ là 2.300.000 đồng/tháng. Áp dụng đúng, xung đột giữa các bên sẽ được hạn chế tối đa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn