MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ quy tắc ứng xử vừa được UBND TP.Cần Thơ ban hành, trong đó có nội dung: Cán bộ, công chức, viên chức không được mặc quần jean, áo thun khi làm việc, kể cả nam và nữ.

Tranh cãi về việc Cần Thơ cấm công chức mặc quần jeans, áo thun đi làm

Cường Ngô LDO | 06/09/2017 21:05
Quy tắc trang phục mà TP Cần Thơ mới ban hành cho công chức, viên chức tỉnh nhà khiến nhiều người đặt câu hỏi, điều này liệu có thực sự cần thiết; việc cấm như vậy là nghiêm túc hay cứng nhắc?

Ngày 5.9, UBND TP Cần Thơ ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước.

Bộ Quy tắc gồm 4 chương, 11 điều, quy định các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức. Những quy tắc ứng xử chung quy định những việc cán bộ công chưa phải làm và không được làm.

Trang phục của cán bộ, công chức khi làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ phải đảm bảo gọn gàng, kín đáo, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc. Đặc biệt đối với nữ, áo có tay. Cả nam và nữ cán bộ, công chức không mặc quần jean, áo thun các loại.

Về quy định nam, nữ cán bộ không được mặc quần jeans, áo thun đi làm, ông Nguyễn Hoàng Ba - Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ cho rằng những quy tắc cụ thể được ban hành nhằm hướng đến đội ngũ cán bộ, công chức có phong cách chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức tốt; góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, năng động.

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra để có hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm, không gương mẫu. "Quần jeans xanh là cấm tuyệt đối", ông Ba nhấn mạnh.

Cán bộ phường Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa của phường.

Việc cấm công chức, viên chức mặc áo phông, quần jeans đi làm vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cư dân mạng. Trên nhiều diễn đàn, đa số ý kiến cho rằng, việc diện quần jeans áo thun không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Chỉ cần kín đáo, lịch sự và đẹp là đủ yêu cầu đối với trang phục công sở.

Một độc giả cho rằng: "Tôi là công chức từ năm 1988 và nhiều lần chứng kiến sự đổi mới trang phục nơi công sở, nhưng tất thảy chỉ là hình thức. Đối với công chức, viên chức, đừng ăn mặc lôi thôi, lố bịch, chơi bời quá (hở ngực, ôm sát) là được, quần áo không thành vấn đề, không liên quan đến chất lượng công việc, trừ một số công chức có trang phục ngành nghề".

Một số độc giả bày tỏ quan điểm, điều mà công chúng quan tâm hơn cả ở cán bộ, công chức lại không phải quần áo của họ, mà là thái độ phục vụ.

"Quần áo không làm nên thầy tu, hiệu quả công việc và thái độ của công chức, viên chức đối với người dân mới là điều quan trọng nhất. Ăn mặc lịch sự là được rồi, quần jeans áo thun mà đẹp thì còn có vẻ thân thiện nhiều hơn là những bộ quần áo đóng thùng kín mít" - độc giả Nguyễn Văn An cho hay.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, TS Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay, đây là vấn đề của TP Cần Thơ (vấn đề nội bộ) không mang tính đại chúng, đại diện cho cả nước. Bản thân Sở Nội vụ Cần Thơ cũng có quan điểm riêng khi đưa ra Bộ quy tắc ứng xử này.

Tuy nhiên, việc cấm quần Jeans, áo phông đối với công, viên chức không cần thiết. Việc diện những bộ trang phục này tạo nên sự khỏe khoắn, năng động, không phải xấu, phản cảm hay trái thuần phong mỹ tục của người Việt.

"Trong khi Việt Nam chủ động hội nhập với thế giới thì áo phông, quần jeans bị coi là kệch cỡm, điều này có thực sự xác đáng?, trong khi những vấn đề mà chúng ta cần bàn như ăn mặc hở hang, rách rưới lại không đề cập đến. Tôi nghĩ rằng việc đưa ra Bộ quy tắc ứng xử cấm quần bò, áo phông là cứng nhắc" - TS Hồng nói.

Vị chuyên gia Văn hóa học bày tỏ, việc cấm mặc quần jeans, áo phông chỉ phù hợp với những ngày lễ lớn của dân tộc hay những sự kiện văn hóa trọng đại. "UBND thành phố Cần Thơ nên điều chỉnh lại để phù hợp với thực tiễn cuộc sống" - TS Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn