MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: HOÀNG HẢI - HẢI NGUYỄN

Tránh lạm dụng kỹ thuật cao “móc túi” người bệnh

THÙY LINH LDO | 06/10/2019 07:05

Đó là ý kiến của Đại biểu QH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phiên giải trình “về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 3.10. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân của tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để “móc túi” bệnh nhân. Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các đại biểu còn đề nghị Bộ Y tế làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công, nhất là về vấn đề tài chính, nhân lực.

Có tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao “móc túi” người bệnh

Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện, chỉ số hài lòng của người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8%.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, khó khăn trong thực hiện tự chủ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh viện có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.

“Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT...” - Bộ trưởng Tiến thừa nhận bất cập.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bộ trưởng làm rõ nguyên nhân của tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để “móc túi” bệnh nhân?

Giải trình về ý kiến của đại biểu Phương nêu, Bộ trưởng Y tế cho rằng, vướng mắc hiện nay là nếu tính đúng, tính đủ, chất lượng được nâng lên thì giá phải cao hơn. Mấu chốt của vấn đề tự chủ là muốn chất lượng tốt phải có nguồn thu để chi trả, thu hút cán bộ chất lượng, xây dựng mới cơ sở vật chất, xây nhà vệ sinh ít nhất 3 sao trở lên, cần hệ thống chống nhiễm khuẩn rất tốn kém… “Như vậy phải làm sao thu nhiều, trong khi bảo hiểm thanh toán mức tối thiểu nên sẽ có lạm dụng kỹ thuật không cần thiết…” - Bộ trưởng Tiến nói. Theo Bộ trưởng Tiến, giải pháp cho việc này là có định mức, thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, bộ cũng mới ban hành chỉ thị chống lạm dụng, trục lợi để có tăng cường giám sát.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 3.10.

Còn đại diện Bộ Tài chính cho biết, tới đây sẽ xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với trung tâm y tế huyện đa chức năng; đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có cơ chế khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới; cung cấp các dịch dụ y tế mà tuyến dưới chưa đảm bảo được; sửa đổi, bổ sung Luật BHYT về vấn đề đảm bảo chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản, người sử dụng chi trả ở phần vượt mức.

Giao tự chủ nhưng không cho tự chủ

Nêu những vướng mắc trong vấn đề tự chủ đối với bệnh viện công lập, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) “truy” trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai, tháo gỡ thế nào. “Vướng mắc trong thực hiện xã hội hoá; tự chủ giá dịch vụ y tế giữa các đơn vị, tỉnh thành; tính đúng tính đủ; nhiều cơ sở phản ánh giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính, nhân lực. Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này?” - ông Trí nói.

Nêu ví dụ cụ thể, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn TP.Cần Thơ hiện có 13 đơn vị tự chủ trong đó có 2 đơn vị Trung ương và 11 đơn vị của địa phương nhưng qua giám sát của Đoàn ĐBQH thì các đơn vị này đều phản ánh rất khó khăn vì giao tự chủ nhưng việc gì cũng phải xin ý kiến. Vậy Bộ Y tế giải quyết tình trạng này như thế nào?

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng nút thắt này cần được tháo gỡ, quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.

Đai biểu Quốc hội chất vấn về thực hiện chính sách, pháp luật và cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập ngày 3.10. Ảnh: HOÀNG HẢI

Giải trình thêm về vấn đề biên chế, hợp đồng của nhân lực y tế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Liên quan đến bộ máy, con người thì chúng tôi ủng hộ tháo gỡ vướng mắc. Các bệnh viện phải xác định vị trí việc làm, khung trình độ năng lực của từng vị trí ra sao, bây giờ chúng tôi đã phân cấp đến các tỉnh, thành phê duyệt. Khi đã có mô tả vị trí việc làm thì các bệnh viện tự chủ tuyển dụng. Xây dựng vị trí việc làm là quyền của bệnh viện, sau khi được phê duyệt thì các bệnh viện tuyển dụng thôi chứ không có gì ngăn trở. Nhưng ở đây có vấn đề là thu nhập, khi thu nhập của người được tuyển dụng vào thấp quá thì họ sẽ chuyển dịch sang khu vực tư nhân, tới đây chúng ta sửa đổi luật về viên chức thì phải tính đến vấn đề này”.

Tự chủ sẽ ảnh hưởng đến người nghèo?

Trước câu hỏi tự chủ bệnh viện có ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo, đối tượng khám chữa bệnh BHYT không, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Các bệnh viện tuyến trên chỉ có bệnh nhân nặng mới chuyển lên thôi, và đương nhiên có phòng dịch vụ cho người nước ngoài, cho người giàu. Tuy nhiên, người nghèo nếu có bảo hiểm y tế đúng tuyến, tuyến tỉnh chuyển lên thì vẫn được hưởng quyền lợi. Như vậy, người nghèo vẫn được hưởng. Hiện nay, các bệnh viện tuyến trên vẫn có đến 60% nguồn thu từ bệnh nhân bảo hiểm y tế. Đơn cử như các bệnh nhân ghép gan, ghép tim trong thời gian qua chủ yếu là bệnh nhân nghèo, được bảo hiểm y tế chi trả. Do các bệnh đó, tuyến khác không giải quyết được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn