MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trấn Lao Bảo của huyện miền núi Hướng Hóa hôm nay. Ảnh: HT

Trao giải cuộc thi Phóng sự - Bút ký kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh: Niềm tin vững bước tới tương lai

HƯNG THƠ - QUANG ĐẠI LDO | 07/07/2018 07:10

Sáng nay (7.7), tại thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa-Quảng Trị), diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi Phóng sự - Bút ký kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh do Báo Lao Động và UBND huyện Hướng Hóa tổ chức. Cuộc thi đã thu hút đông đảo các cây bút trên cả nước, với nhiều tác phẩm có sức lan tỏa, đã tái hiện chân thực một Khe Sanh - Hướng Hóa anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong hòa bình, xây dựng quê hương.

Anh hùng trong đạn lửa

Nhà báo Lâm Chí Công - Trưởng VPĐD Bắc Trung Bộ, Báo Lao Động, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi - cho biết: Cuộc thi bắt đầu từ ngày 15.3 đến ngày 20.6.2018, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân, với nhiều độ tuổi khác nhau. Đến nay, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 150 tác phẩm, có 48 tác phẩm lọt vào vòng sơ khảo, chung khảo và được đăng trên Báo Lao Động điện tử.

Từ niềm tự hào về chiến thắng Khe Sanh và tình yêu với mảnh đất - con người nơi đây, các tác giả đã giới thiệu với độc giả gương mặt và ký ức của các tướng lĩnh, sĩ quan, quân nhân, những người đã trực tiếp cầm súng trên chiến trường Khe Sanh đạn lửa cho đến những người lính tải đạn, cứu thương đã góp phần làm nên chiến thắng.

Qua các phóng sự - bút ký dự thi, cho thấy Chiến thắng Khe Sanh là kết quả của công sức, trí tuệ, sự quả cảm phi thường, sự hy sinh xương máu của quân đội và các lực lượng vũ trang, cùng sự chung sức chung lòng của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, chiến tranh cũng đã viết nên bài ca bất tử về tình yêu tổ quốc, quê hương, tình đồng đội, tình cảm nhân ái, tương trợ giữa quân và dân, và cả với sự cao thượng đối với những người bên kia chiến tuyến.

Khe Sanh, nửa thế kỷ hòa bình

Những trang phóng sự, bút ký tập trung phản ánh quá trình hồi sinh của mảnh đất Khe Sanh, Hướng Hóa sau chiến tranh. Từ trong bộn bề gian khổ, khó khăn, bằng ý chí, nghị lực và sức sáng tạo vô tận, các thế hệ lãnh đạo, chiến sĩ và nhân dân Hướng Hóa đã đem lại sức sống mới cho mảnh đất này. Từ chiến trường bị cày nát bởi đạn bom và trong lòng đất còn hàng vạn bom mìn, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống, để có một Khe Sanh-Lao Bảo-Hướng Hóa hiện đại, khang trang, cuộc sống người dân được nâng cao.

Xuất hiện những tấm gương bình dị và cao quý, giàu đức hy sinh, kiên cường, quả cảm và sáng tạo; các tập thể điển hình tiên tiến đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Khe Sanh-Hướng Hóa hội nhập và phát triển, hướng đến tương lai.

Những tác phẩm được đăng tải trên báo Lao Động điện tử có sức lan tỏa tốt, được người dân Hướng Hóa và bạn đọc cả nước quan tâm. Các tác phẩm lọt vào chung khảo cuộc thi được in thành sách “Khe Sanh-Nửa thế kỷ hòa bình” được phát hành rộng rãi.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Nguyễn Đức Chính - trao đổi: “Hoan nghênh Báo Lao Động đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết về một sự kiện hết sức quan trọng không phải của một huyện mà của cả đất nước: Đó là chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa. Ngoài ra, Báo Lao Động đã đứng ra kêu gọi kinh phí để xây dựng nhà ở cho những trường hợp khó khăn, trong đó chủ yếu là người đồng bào thiểu số và người có công với cách mạng. Việc làm này đầy tinh thần nhân ái, là nghĩa cử cao đẹp”.

Ông Nguyễn Đức Chính nhận xét, cuộc thi được nhiều người hưởng ứng và có nhiều bài viết chất lượng, sâu sắc. Qua những tác phẩm đó, nhiều người đã biết đến và hiểu sâu hơn về Khe Sanh - vùng đất gian khổ, anh hùng trong chiến tranh và kiên cường trong kiến thiết thời bình. Đặc biệt, những tác phẩm dự thi đã lan tỏa tiềm năng của Khe Sanh hôm nay, gồm tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp và du lịch… “Cuộc thi đã kết thúc với những thành quả tốt đẹp. Nhưng tôi mong muốn Khe Sanh không chỉ được biết đến vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng. Vì vậy, rất mong Báo Lao Động và các cơ quan truyền thông khác tiếp tục quan tâm, hỗ trợ” - ông Nguyễn Đức Chính nói.

Danh sách tác phẩm đạt giải: Giải đặc biệt với tác phẩm: Lao Bảo - thành phố của một nửa dòng Sê Pôn - loạt bài 3 kỳ của tác giả Nguyễn Khiêm (bút danh Yên Mã Sơn); Giải nhất với tác phẩm “Khe Sanh bây giờ, một chiến trường khác” - loạt bài 3 kỳ của tác giả Lâm Hưng Thơ; 02 Giải nhì: “Kăn Xoang, Akay và nước mắt của núi” của tác giả Hoàng Văn Tiến (bút danh Hoàng Hải Lâm) và “Không ở Khe Sanh cũng nhớ Khe Sanh” của tác giả Phạm Xuân Dũng; 02 Giải ba: “Người đem càphê Khe Sanh đến trời Tây” của tác giả Trần Quang Đại (bút danh Quang Hiển) và “Người mang “thương hiệu Khe Sanh” ra thế giới” của tác giả Lâm Thị Thủy (bút danh Thủy Lâm); 05 Giải khuyến khích: Lao Bảo nhớ khổ, thương nghèo của tác giả Hoàng Văn Minh. “Đất lành Khe Sanh” của tác giả Phan Thị Bích Liên (bút danh Phan Liên). “Trên “lối đi xuyên mơ ước”…” của tác giả Đào Tâm Thanh (bút danh Đan Tâm. “4.0 ở vùng biên ải” của tác giả Phạm Văn Đương (bút danh Trần Đăng). “Những cái bắt tay từ hai nửa bán cầu” của tác giả Trần Văn Giáo (bút danh Đình Giáo).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn