MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trao quyền tự chủ để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Thu Giang

Trao quyền tự chủ để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

LÊ TÂM LDO | 08/12/2023 14:47

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã nhanh chóng xây dựng hàng loạt mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, trao quyền tự chủ để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Nhân rộng mô hình

Cụ thể, thông qua nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 9 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho 702 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Tỉnh Nghệ An cũng hỗ trợ xây mới 870 căn nhà cho 868 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, sửa chữa 100 căn nhà cho 86 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo, bố trí vốn cho 35 công trình thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hoá...

Năm 2024, tỉnh Nghệ An đang lên kế hoạch hỗ trợ 95,672 tỉ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ đó, chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng nghèo, vùng khó khăn, làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo…

Là huyện có tỉ lệ hộ nghèo còn cao, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) những năm qua cũng đã nỗ lực triển khai hàng trăm mô hình sinh kế, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, năm 2023, từ nguồn kinh phí 3 tỉ đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng phân bổ, huyện Bảo Lâm đã triển khai thực hiện 200 mô hình sinh kế cho 200 hộ dân là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Hàng trăm mô hình sinh kế này được triển khai thực hiện tại các xã Lộc Nam, Lộc Lâm, Lộc Thành, Lộc Bảo, Lộc Bắc, tạo ra nhiều việc làm, giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Bùi Xuân Quý - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) - thông tin, việc được tự chọn mô hình sinh kế phù hợp, tự thanh quyết toán tài chính khi mua cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khiến các hộ rất phấn khởi. Từ đây, người dân được chọn cách thức đầu tư phù hợp với sở trường, hoàn cảnh gia đình, hiệu quả của đồng vốn đạt mức cao.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã nhanh chóng xây dựng hàng loạt mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Thu Giang

Nỗ lực đẩy lùi đói nghèo

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng đặt mục tiêu, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có Công văn số 2113/LĐTBXH-VPQGGN đốc thúc các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đề cập đến nội dung này, ông Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được thiết kế thành 7 dự án, kết cấu thành 2 dự án và 11 tiểu dự án.

Trong đó, chương trình sẽ hướng tới đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng yếu thế khác, đây là các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ chương trình. Qua thời gian triển khai, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác thuộc chương trình đã được tham gia tiếp cận các dự án hỗ trợ về sinh kế, hỗ trợ về việc làm cũng như hỗ trợ về nhà ở, giúp người dân sẽ yên tâm, ổn định cuộc sống...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn