MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cuộn bẫy thú rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ mà được cơ quan chức năng và người dân đi tháo gỡ. Ảnh: P.V

Trâu nhà cũng dính bẫy thú rừng

TRẦN TUẤN LDO | 19/02/2020 10:49

Thời gian gần đây, trâu của người dân chăn thả ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (thuộc 3 huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh) liên tục bị dính bẫy thú rừng. Lực lượng chức năng cùng người dân trong nhiều đợt ra quân đã tháo gỡ được hàng nghìn cái bẫy. Từ đó lo ngại được đặt ra là có bao nhiêu thú rừng đã bị đánh bẫy, tình trạng suy giảm động vật rừng ở đây đã ở mức nào?

Trâu dính bẫy bị giết thịt cạnh trạm bảo vệ rừng

Mấy hôm nay, người dân xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh xôn xao việc ở thôn Mỹ Hà có 3 con trâu của 3 hộ gia đình chăn thả trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ bị dính bẫy thú rừng, trong đó 1 con bị kẻ xấu xẻ thịt ngay sau khi dính bẫy, 2 con khác bị thương được người dân đưa về nhà nhưng 1 con bị thương nặng, ngã khụy nên người dân phải giết thịt bán để vớt vát.

Chị Hoàng Thị Hiền (46 tuổi, trú thôn Mỹ Hà), kể, ở xã Cẩm Mỹ do sống gần rừng nên người dân có tập tục chăn thả trong rừng quanh năm, cứ 1 tuần, nửa tháng vào kiểm đếm một lần. Chỉ khi nào cần sức kéo làm nông nghiệp thì họ vào rừng dắt trâu về cày, làm mùa xong thì đưa trâu thả lại vào rừng. Gia đình chị Hiền có 10 con trâu lẫn nghé chăn thả trong rừng. Ngày 12 tháng Giêng (5.2) vừa qua, gia đình chị cùng một số hộ dân khác vào rừng kiểm đếm trâu thì phát hiện có 2 con trâu bị dính bẫy trong một khu vực hẹp khoảng 100m2 với tình trạng chân đã bị sưng tấy, đứt lòi xương do dính bẫy bằng sợi cáp siết chặt. Tìm kiếm thêm, họ phát hiện cạnh đó có một thủ và nội tạng trâu đã bị chôn sau khi đã xẻo lấy thịt và 4 đùi. Con trâu bị giết thịt này được xác định là trâu đực của gia đình chị Hiền. 2 con trâu dính bẫy còn lại, một con của gia đình chị Dương Thị Thìn (54 tuổi) và của gia đình ông Dương Văn Bình (60 tuổi) trú cùng thôn đã được đưa về nhà chăm sóc.

Tuy nhiên, do con trâu của chị Thìn bị thương nặng, đứt gân không đi được nên gia đình đã phải làm thịt để bán và chỉ vớt vát được 10 triệu đồng. Trong khi nếu bán khi trâu khỏe mạnh có giá khoảng 25 triệu đồng. Hiện con trâu của gia đình ông Bình vẫn đang được chăm sóc tại nhà, hàng ngày phải rửa sát trùng và xịt thuốc. “Hi vọng có thể cứu được nó, chứ ngã xuống làm thịt thì bán chẳng được ăn thua gì” - ông Bình nói.

Theo ông Bình, điều mà mấy gia đình có trâu dính bẫy bức xúc là vị trí mà trâu họ dính bẫy chỉ cách trạm kiểm soát số 1 của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 300m. Và ngay ở đó, trước đây khi vào thăm trâu, phát hiện nhiều bẫy thú và 1 lán tạm của kẻ đi đặt bẫy. Sợ trâu dính bẫy ông Bình đã báo với cán bộ bảo vệ rừng và được cán bộ bảo vệ rừng nói lại là để nguyên hiện trạng vậy nhằm “mật phục” người đánh bẫy, thế rồi không ngờ hôm sau thì trâu họ dính bẫy mà kẻ đánh bẫy thì không bắt được.

Theo anh Dương Trí Duẩn (thôn Mỹ Yên), thời gian qua đã có nhiều gia đình có trâu bị dính bẫy. Trong năm 2019 có khoảng 6 - 8 con trâu bị dính bẫy. Hiện anh Duẩn đang chăn thả 10 con trâu trong rừng. Trước tình trạng trâu dính bẫy liên tục, anh và nhiều người dân ở xã Cẩm Mỹ đang rất hoang mang, nên phải tăng cường vào rừng thăm trâu nhiều hơn. Hiện toàn xã Cẩm Mỹ đang có hơn 50 hộ dân chăn thả khoảng hơn 300 con trâu trong Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ.

Bao nhiêu thú rừng đã bị đánh bẫy?

Ngày 18.2, ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng - Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ xác nhận có sự việc vừa qua 3 con trâu của người dân thôn Mỹ Hà dính bẫy thú rừng ở Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ. Theo ông Đức, tình trạng đặt bẫy thú rừng ở Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ đã diễn ra nhiều năm qua. Hàng năm, Khu Bảo tồn đều xác định nhiệm vụ chống săn bắt thú rừng và bảo vệ, chống cháy rừng là nhiệm vụ hàng đầu. “Vừa rồi chúng tôi phối hợp với Hạt kiểm lâm và kêu gọi thêm người dân vào rừng tìm tháo gỡ bẫy thú, kết quả có hàng nghìn cái bẫy được phát hiện, tháo gỡ” - ông Đức thông tin.

Cũng theo ông Đức, những cái bẫy được giăng lên mục đích là để bẫy thú, chúng được làm từ những vòng cáp thắt gio đặt lên miệng hố sâu khoảng 40cm x 40cm. Khi con thú dẫm lên sẽ bị giật căng lên không thể thoát được vì một đầu kia của dây cáp đã cột chặt vào gốc cây. Ông Đức cho rằng, dù Khu Bảo tồn đã bố trí 9 trạm bảo vệ rừng và 1 đội cơ động với 60 con người. Tuy nhiên, do diện tích rừng lớn (gần 45.000ha) với nhiều cửa ra, vào rừng nên rất khó để phát hiện, bắt giữ những kẻ đánh bẫy thú rừng ở đây.

Với câu hỏi, một lượng lớn bẫy thú được thu hồi như vậy, thì liệu thời gian qua có bao nhiêu thú rừng bị đánh bẫy? Có lo ngại động vật rừng tiếp tục bị tiêu diệt, suy giảm hay không, thì ông Đức né tránh câu trả lời.

Ông Hà Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ - xác nhận có tình trạng người dân xã này phản ánh trâu thả trong Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ bị dính bẫy. Hiện vụ việc trâu của một hộ dân xã thôn Mỹ Hà dính bẫy, bị giết thịt trong rừng đang được Công an huyện Cẩm Xuyên thụ lý xác minh, làm rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn