MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh học trực tuyến cũng đang gặp một số vụ về quậy phá xảy ra trong lớp học online. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Trẻ bị xâm hại trực tuyến: Không còn chỉ là nguy cơ

Thế Lâm LDO | 16/04/2020 16:36

Tình trạng trẻ có thể bị xâm hại trực tuyến khi sử dụng các ứng dụng học hoặc giải trí online không còn chỉ dừng ở mức nguy cơ nữa mà đã trở thành hiện thực. Điển hình nhất từ vụ ứng dụng Zoom bị lộ lọt tên truy nhập (ID) và mật khẩu (password), sau đó xuất hiện đối tượng lạ vào các lớp học trực tuyến theo dõi, chọc phá…

Từ quậy phá lớp học trực tuyến…

Thực trạng ở Việt Nam đã xảy ra trong những ngày qua là: Một số học sinh lấy tên truy nhập của bạn cùng lớp, mật khẩu lớp học Zoom và cả giờ lớp học bắt đầu lên sóng, tuồn ra bên ngoài nhờ đối tượng lạ vào chọc phá. Chính vì thế mới xảy ra tình trạng, cô giáo đang giảng bài thì xuất hiện tiếng nhạc, video chửi bậy từ bên ngoài vang vào lớp học online. Giáo viên giữ quyền host (quản trị viên lớp học) có nhiều quyền để can thiệp nhưng trong tình huống này thì không thể.

Chị Hiền (Quận 1, TPHCM) có hai đứa con trai nhỏ đang tuổi tiểu học cho biết: “Đứa lớn mới học trực tuyến khoảng một tháng nay. Ban đầu lớp cũng lộn xộn lắm, xảy ra tình trạng em này lấy cắp nick của em kia, rồi đổi nick thành tên trong game, hoặc tên khác để chọc phá… Sau đó giáo viên biết được thường cho out khỏi lớp ngay”.

Tình trạng tiết lộ thông tin lớp học cho người ngoài vào quậy phá, la hét tục tĩu cũng xảy ra tại trường học Mỹ. Cảnh sát bang Connecticut đã bắt giữ một học sinh trung học vì hành vi này.

Đó là trường hợp học sinh nghịch phá, tiết lộ thông tin lớp học để lôi kéo người ngoài vào phá phách. Song còn trầm trọng hơn là đối tượng lạ không xác định hay tin tặc, xâm nhập vào lớp học và thực hiện các hành vi xâm hại.

Vụ  hai tin tặc lẻn vào học lớp trực tuyến môn địa lí trên ứng dụng Zoom mới đây, chúng chèn vào màn hình lớp học đoạn clip hình ảnh bộ phận sinh dục tục tĩu, đồng thời buông lời muốn xem ngực nữ sinh. Vụ việc này khiến Bộ Giáo dục Singapore ngay lập tức dừng sử dụng ứng dụng học trực tuyến Zoom trong các trường học tại Singapore.

Đến những nội dung không lành mạnh, bạo lực trên mạng xã hội

Chị Hiền còn cho biết thêm, đứa con trai lớn của chị sử dụng Facebook đã nhiều lần hiện lên các hình ảnh phụ nữ không quần áo. Chị phải dặn con không được để bạn bè tag mình vào những hình ảnh đó và thậm chí cần hủy kết bạn.

Tuy nhiên khi trao đổi với bé H.V con chị thì cháu chỉ bảo “đâu có gì đâu”. Chị Hiền tâm sự: “Có con đang tuổi dậy thì mà lên mạng cứ hiển thị những hình ảnh, nội dung như vậy phụ huynh nào chẳng lo”.

Trong khi đó, anh Cường (ở Hà Nội) cho biết khi, hai đứa con của anh những lần lên xem YouTube cho dù có sự giám sát của bố mẹ nhưng nhiều lần nội dung đề nghị từ YouTube là các game hiện lên, trong đó có những nội dung bạo lực. “Con nít rất thích game và cứ đòi tải về. Nhưng mình đâu cho thế được vì game bạo lực rất dễ tác động tiêu cực đến trẻ em”. Anh Cường cho biết, thường thì những lần như vậy anh đều từ chối yêu cầu của con.

Nhiều trẻ mới 3-4 tuổi đã sử dụng khá thuần thục thiết bị di động. Ảnh: Thế Lâm

Với chị Yên (quận Bình Thạnh, TPHCM), con gái nhỏ lớp 1 của chị chỉ thích mỗi game Roblox: “Đa số nội dung giải trí trong game trực tuyến này lành mạnh, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn nhận thấy một số nội dung có tính bạo lực và nhắc con phải chuyển sang nội dung khác ngay”, chị Yên cho biết.

Theo một nghiên cứu do hãng bảo mật Kaspersky và Công ty nghiên cứu thị trường Savanta phối hợp thực hiện, 84% phụ huynh trải qua cuộc khảo sát đều bày tỏ sự lo lắng về độ an toàn trực tuyến đối với con em mình.

Trong đó, mối đe dọa xâm hại trực tuyến nguy hiểm nhất chính là trẻ em xem phải nội dung có hại như tình dục hoặc bạo lực (27%); hay nhận được tin nhắn nặc danh có nội dung kích động để thực hiện hành vi bạo lực hoặc không phù hợp với lứa tuổi (14%)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn