MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi lần nhìn ra trước cửa là căn nhà nơi từng sinh sống với mẹ, em N.M.Q.A không ngăn được nỗi nhớ. Ảnh Anh Tú-Khánh Linh

Trẻ em mồ côi do dịch COVID-19: Cần chăm sóc về "sức khoẻ" tinh thần

ANH THƯ LDO | 19/09/2021 15:50
Bên cạnh hỗ trợ kịp thời về vật chất, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 cần được chăm sóc về tinh thần để giảm bớt những sang chấn tâm lý.

“Có đêm con ngủ con mơ thấy mẹ đang nằm nhìn con, lúc đó mẹ không bị bệnh. Con nhớ mẹ nhiều. Con ghét con COVID-19 này vì nó cướp đi mẹ của con” - em N.M.Q.A chia sẻ với PV Báo Lao Động.

Mẹ và bà ngoại ra đi mãi không về sau khi nhập viện vì COVID-19 đã gần một tháng nay, bố hiện có gia đình mới đang sống ở Đồng Tháp, em N.M.Q.A (ngụ quận 1, TPHCM) bỗng chốc không còn người thân bên cạnh, được một người hàng xóm lâu năm nuôi dưỡng từng bữa ăn, giấc ngủ. 

Em N.M.Q.A là một trong gần 1.500 trẻ em bị mồ côi cả cha mẹ hoặc cha, mẹ tại TP Hồ Chí Minh trong trong đợt dịch COVID-19 lần 4. Tính đến ngày 31.8, có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19.

Trao đổi về việc hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em - cho hay, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi. 

"Chúng ta đang có 2 chính sách hỗ trợ đó là hỗ trợ đột xuất theo Nghị định 68 và Quyết định 23; thứ 2 là chính sách hỗ trợ, trợ giúp lâu dài theo Nghị định 20" - ông Nam nói.

Mới nhất, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27.4 - 31.12. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

Bên cạnh hỗ trợ kịp thời về vật chất, ông Nam cho rằng, điều lo ngại nhất lúc này chính là vấn đề chăm sóc, trị liệu tâm lý cho trẻ em mồ côi. Cho nên, chúng ta vừa phải chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất, vừa phải giúp các em về sức khỏe tâm thần, chăm sóc để giảm bớt sang chấn tâm lý.

Hiện nay, Cục Trẻ em đã chỉ đạo địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn.

Ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối để được hỗ trợ tư vấn với các nhóm thiện nguyện như đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em. Dịch vụ này, được duy trì từ 8h - 22h hằng ngày.

Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, về phía địa phương, cần áp dụng ngay chính sách của nhà nước, của địa phương, các nguồn hỗ trợ để giảm mức tối đa khó khăn về mặt đời sống cho các em. Bên cạnh đó, cần triển khai giúp các em tiếp cận với hệ thống mạng lưới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn