MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Ảnh: Nguyễn Hải

Trẻ em sẽ được trợ giúp để tự bảo vệ trên môi trường mạng

QUỲNH CHI thực hiện LDO | 16/06/2021 11:01
Đây là ý kiến của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 14.6 xung quanh những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thưa ông, sau khi có Quyết định 830 của Thủ tướng về Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng 2021 - 2025, công tác này đã có những chuyển biến quan trọng gì?

- Cục Trẻ em đã phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai rất nhiều chương trình, công việc từ trước đến nay. Trước khi Thủ tướng ra Quyết định này, chúng tôi đã triển khai một số công việc, phối hợp với các ban ngành liên quan để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo đó, Cục Trẻ em ký kết với Cục An toàn thông tin nhằm phối hợp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Cục Trẻ em đã phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ, tổ chức Quốc tế, doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng,... để hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em.

Sau nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng, bắt đầu hình thành những chuẩn mực ứng xử trên môi trường mạng. Bên cạnh các nội dung tiêu cực, những điểm tích cực đã dần dần hình thành. Tôi lấy ví dụ, qua trận bóng đá giữa đội Đan Mạch và Phần Lan vừa qua, khi có cầu thủ bị ngất, cùng với ý kiến ca ngợi công tác sơ cứu nhanh chóng, kịp thời thì cũng có rất nhiều ý kiến tán dương hàng động che chắn, bảo vệ hình ảnh cá nhân khi sự cố xảy ra. Cộng đồng mạng đã có những chuẩn mực tốt dần hình thành.

Tại Việt Nam, chúng ta cần chung tay đẩy mạnh hơn nữa quy định về mặt pháp lý và ứng xử trên môi trường mạng: Không quá đi sâu vào hình ảnh, thông tin mang tính đời tư, đặc biệt là thông tin về trẻ em. Các quy định này dù đã đưa vào Luật Trẻ em, sau đó có Luật An ninh mạng nhưng chúng ta còn phải hình thành những chuẩn mực về mặt đạo đức nữa.

Cũng phải nói thêm, những chuẩn mực ứng xử trên không gian mạng trong cộng đồng Việt Nam đã bước đầu hình thành nhưng vẫn còn chậm. Bộ TTTT đã có ý tưởng ban hành bộ chuẩn mực ứng xử trên môi trường mạng. Tôi nghĩ nội dung này phải thúc đẩy sớm để ban hành, trong đó cần có những chuẩn mực riêng cho đối tượng trẻ em.

Theo tôi Quyết định của Thủ tướng ra rất kịp thời nhưng môi trường mạng mỗi ngày đều có động thái, hành vi mới… và chúng ta cần phải có quy định pháp luật cụ thể thì mới xử lý được.

Cục Trẻ em cũng được tham vấn khá nhiều nội dung trong Quyết định của Thủ tướng. Ý tưởng xuất hiện ban đầu là sau Nghị định 56 của Chính Phủ đã dự kiến xây dựng một chương trình cấp Quốc gia… Sau này, thực tiễn cho thấy Bộ TTTT chủ trì sẽ phù hợp hơn. Tôi đánh giá rất cao việc đưa ra 2 góc độ: 1 là chống tác động tiêu cực, 2 là đánh giá cao phát triển tương tác lành mạnh. Trẻ em có thể trở thành một công dân số, hoạt động tích cực trên môi trường mạng và khai thác được không gian tốt tích cực trên môi trường mạng. Đây là Quyết định đột phá của Thủ tướng. Quyết định này nhấn mạnh xây để chống. Đào tạo công dân số thì phải đào tạo những kiến thức kỹ năng bài bản, làm sao để trẻ em có thể tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Đến thời điểm này chúng ta đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

- Nhận thức ngày càng được nâng lên và có 3 yếu tố rất tích cực. Thứ nhất phải có sự vào cuộc và hỗ trợ can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ TTTT, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an. Những đơn vị này phải vào cuộc xử lý điểm các vụ việc để có tính răn đe.

Thứ hai là sự phát hiện của cộng đồng xã hội đặc biệt là phụ huynh, học sinh, đội ngũ chuyên gia và các nhà khoa học. Họ sử dụng chính môi trường mạng để tấn công lại đối tượng lợi dụng kinh doanh bất hợp pháp… Thực tế cho thấy, các trường hợp livestreamer như Timmy hay Thơ Nguyễn, mục đích cuối cùng chỉ là để kiếm tiền. Cha mẹ đã dùng chính môi trường môi trường mạng xã hội, dư luận báo chí để tấn công lại đối tượng này. Từ đó, nhóm đối tượng này cần phải dè chừng hơn nếu có ý định tiếp tục tấn công trẻ em.

Thứ ba, các cơ quan truyền thông rất nhạy bén với các sự việc này để vào cuộc kịp thời, tạo thành một liên minh càng ngày càng chặt chẽ. Như vậy, chúng ta có cả cơ quan báo chí, chuyên gia, phụ huynh, cơ quan quản lý nhà nước… tác động đến trẻ em.

Tôi hy vọng rằng tương lai không xa, trẻ em - những công dân số của chúng ta sẽ được tiêm một loại vaccine để tự bảo vệ trên môi trường mạng.

Theo ông, thời gian tới, chúng ta sẽ làm gì để phát huy thành quả và giảm thiểu những tồn tại trong nỗ lực xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em?

- Chúng ta cần triển khai chương trình tầm Quốc gia như Quyết định vừa rồi của Thủ tướng. Môi trường mạng rất mênh mông, làm sao các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng phát hiện ra được các vấn đề liên tục xuất hiện?

Vì vậy, rất cần đến sự chung tay của tất cả các bên liên quan, bao gồm: Trẻ em, phụ huynh, cơ quan quản lý nhà nước… thì mới có xử lý được. Theo tôi, nỗ lực này sẽ hình thành một liên minh tiến bộ để dọn dẹp những rác thải, xấu độc trên mạng…

Ở Việt Nam, từ khi có Luật Trẻ em và đặc biệt là sau khi có Quyết định của Thủ tướng, nỗ lực bảo vệ trẻ em được an toàn trên không gian mạng sẽ càng được thúc đẩy. Chúng ta hãy bắt đầu từ điều đơn giản nhất: bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em rồi mới bảo vệ các em khỏi những nội dung xấu độc.

- Xin cảm ơn ông!

Trên môi trường mạng, các đối tượng thường lạm dụng quay, phát video về bạo lực học đường. Những người lợi dụng livestream lên mạng đối mặt với 2 phản ứng: Nhóm hóng chờ xem và nhóm phản ứng gay gắt vì họ đã được hình thành những tiêu chuẩn về mặt đạo đức.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn