MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng đang được điều trị. Ảnh: NGUYỄN LY

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng trở nặng nhanh chóng

NGUYỄN LY LDO | 16/07/2023 14:39

TP Hồ Chí Minh – So với cùng kì năm 2022, tỉ lệ bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng (TCM) năm nay không bằng, nhưng bệnh nhi nhập viện hiện nay đa phần chuyển biến sang độ 2-3 (độ nặng) rất nhanh, khiến cả phụ huynh và bác sĩ trở tay không kịp.

Chị Đỗ Thị Quyên, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đang cố gắng túc trực bên cạnh để chăm sóc con. Đây là bé thứ 2 của chị. Từ lúc con nhập viện tới nay, chị Quyên vẫn chưa bình tĩnh vì chuyển biến từ nhẹ sang nặng của con quá nhanh.

Theo chị Quyên, khi phát hiện con bị sốt và có nốt nhỏ nổi trong miệng, chị Quyên đã đưa con đến bệnh viện để khám, sau đó được bác sĩ cho về nhà nằm điều trị vì bé vẫn đang ở độ 1.

Nửa đêm hôm đó, bé có biểu hiện sốt cao và liên tục giật mình nhiều kèm các biểu hiện lạ, vì quá lo lắng nên chị vội vàng đưa con quay lại viện lần 2.

“Khi tới bệnh viện, bác sĩ đã cho con tôi nhập viện cấp cứu luôn vì chỉ sau 1 ngày, bé từ độ 1 chuyển sang độ 3 rất nhanh. Tính tới hôm nay đã là hơn 5 ngày nằm viện, sức khoẻ bé đã bình ổn hơn nhưng tôi vẫn chưa yên tâm”, chị Quyên chia sẻ.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, điều nguy hiểm của bệnh tay chân miệng so với một số bệnh khác là trước khi trở nặng thường ở giai đoạn yên bình. Đa số trẻ sốt nhưng vẫn chơi, tỉnh táo khiến phụ huynh dễ lầm tưởng. Hoặc, trẻ được mẹ ôm suốt, đến lúc thả ra mới thấy trẻ hoảng hốt giật mình chới với.

"Một số trường hợp, phụ huynh cứ nghĩ đợi trời sáng, tạnh mưa mới đi viện, dẫn đến trẻ nhập viện trễ. Khi đã qua giai đoạn vàng rồi thì bệnh tiếp diễn chuyển biến rất nhanh", bác sĩ Quy nói. Gần đây, hầu như ngày nào cũng có trẻ phải đặt nội khí quản, chuyển xuống Khoa Hồi sức.

Năm 2011, dịch tay chân miệng bùng phát, nhiều trẻ nhập viện vì buồn nôn, nôn ói, sau đó tăng huyết áp rồi phù phổi, tử vong. Năm nay, đa số trẻ run sốt, giật mình, thở bất thường rồi đột ngột rơi vào ngưng thở. Điều này có thể do virus vẫn là chủng cũ nhưng thay đổi tính chất theo từng khoảng thời gian.

Theo bác sĩ Quy, phụ huynh không chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng quá mức, không vượt đường xa từ tỉnh lên TP Hồ Chí Minh khám bệnh làm ảnh hưởng trẻ. Hiện, thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã được cung cấp đến các bệnh viện tuyến cơ sở, y bác sĩ cũng được đào tạo, trẻ nên khám và điều trị ở cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt nhất. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã điều trị thành công bệnh nhân tay chân miệng độ nặng nhất.

"Đổ xô đến TP Hồ Chí Minh gây quá tải tuyến trên mà có thể khiến trẻ chuyển nặng trên đường di chuyển. Nhiều trẻ sốt cao co giật khi đi trên xe khách, đến bệnh viện thành phố thì đã nguy kịch", bác sĩ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn