MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hóa chất BVTV được nhập khẩu để pha chế, sản xuất vật tư nông nghiệp bán trong nước hoặc xuất khẩu sang nước thứ 3. Ảnh: P.N

Trên 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu mỗi năm: Có kiểm soát được chất lượng?

Phong Nguyễn LDO | 06/11/2020 11:00

Việt Nam không xuất khẩu các thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong khi phải nhập khẩu tới 100.000-120.000 tấn thuốc BVTV mỗi năm. Thống kê cho thấy, có tới 70-80% lượng hóa chất, thuốc BVTV sử dụng trong nước đều là hàng NK, trong đó chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đáng nói là có kiểm soát được chất lượng thuốc BVTV nhập về?

Chi tiền “khủng” nhập hóa chất BVTV

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) cho biết: Việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang diễn ra khá phức tạp.

“Nhiều ý kiến cho rằng, phân bón, thuốc BVTV, hóa chất độc hại hiện như là “mê hồn trận” trong nền nông nghiệp của chúng ta, là cơn nghiện của một bộ phận nông dân, là điểm nghẽn lớn trong việc hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế”. Đại biểu Trần Văn Cường thẳng thắn nêu: Mỗi năm Việt Nam sử dụng thuốc BVTV vào sản xuất nông nghiệp với số lượng khá lớn, khoảng 100.000 tấn/năm. Tính ra trung bình mỗi năm, một người dân sử dụng khoảng 1kg thuốc BVTV.

Theo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT): Việt Nam đang là một trong những quốc gia sử dụng hóa chất BVTV nhiều và khó kiểm soát. Thống kê sơ bộ cho thấy, trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập hóa chất BVTV. Trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19 nghìn tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, khoảng trên 16 nghìn tấn.

Theo Hiệp hội DN Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, hiện thuốc BVTV ở Việt Nam được nhập khẩu từ hơn 40 quốc gia, nhưng nhiều nhất từ Trung Quốc. Trước đây, lượng NK từ Trung Quốc chiếm trên 80% tổng sản lượng thuốc BVTV nhập vào Việt Nam. Còn tại thời điểm này, tuy sản lượng giảm nhưng vẫn chiếm tỉ trọng khoảng 60-70%.

Thuốc BVTV nhập về đã đi đâu?

Theo ý kiến của nguyên Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng, Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc BVTV của thế giới, chiếm 40% lượng thuốc xuất khẩu đi các nước. Các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV về nội địa không chỉ để bán sử dụng ở Việt Nam, mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác.

Phản hồi thông tin về tình trạng NK số lượng “khủng” hóa chất BVTV được NK hàng năm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lý giải rằng, trước đây Việt Nam nhập 120.000 tấn thuốc BVTV/năm thì tới năm 2019 chỉ còn nhập 75.000 tấn, trong đó 20% là thuốc sinh học.

“Đây là cố gắng chung của chúng ta, trong đó 75.000 tấn nhập về có một phần năm ngoái chúng ta đã tái xuất bằng các sản phẩm chế biến được 125 triệu USD. Như vậy là, chúng ta rất cố gắng trong lĩnh vực này” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Theo Cục BVTV, hiện nay, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng có 424 hoạt chất với 4.021 tên thương phẩm, trong đó thuốc sinh học chiếm 18,26%. Đối với các loại thuốc BVTV được đăng ký trên rau đều là các thuốc có độ độc thấp, đặc biệt 50% là các thuốc sinh học đã được đăng ký sử dụng trên rau.

Về số lượng thuốc BVTV trong danh mục so với các nước trên thế giới, theo công bố của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), số lượng thuốc BVTV trong danh mục của Việt Nam chỉ bằng khoảng 10% so với Trung Quốc (41.514 sản phẩm), 30% so với Thái Lan (13.648 sản phẩm), 40% so với Australia (9.604 sản phẩm) và chỉ xấp xỉ bằng Nhật Bản (4.290 sản phẩm).

Trong những năm vừa qua, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo quyết liệt để củng cố các bằng chứng khoa học để loại bỏ các loại thuốc BVTV kém hiệu quả, gây hại cho sức khỏe con người và mất an toàn cho môi trường. Kết quả đến nay, đã loại bỏ được 1.706 tên thương phẩm. Thêm vào đó, theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BNN, đã loại bỏ được 1.265 hàm lượng hoạt chất không đáp ứng quy định ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn