MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trên 50 nghìn lượt người được dạy nghề trong 6 tháng đầu năm 2019

Hải Miên LDO | 27/07/2019 13:30
Trên 50 nghìn lượt người đã được dạy nghề trong 6 tháng đầu năm 2019. Đó là thông tin từ các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong công tác giáo dục nghề nghiệp, 6 tháng đầu năm, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh và dạy nghề cho 50.270 lượt người, đạt 24,5% kế hoạch, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trước nhu cầu học nghề của người lao động tăng cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các huyện, thị xã triển khai thực hiện mở các lớp dạy nghề. Kết quả đã có 15/17 huyện, thị xã cùng tham gia mở lớp và dạy nghề cho 7.500 người, đạt 38% kế hoạch. Trong đó, Thạch Thất và Mê Linh là 2 huyện đã hoàn thành vượt kế hoạch.

Theo Sở LĐTBXH TP. Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 6, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 95.196 người trong tổng số 154.000 lao động, đạt 61,8% kế hoạch năm. Riêng biệt có 25.000 lao động được tạo việc làm từ xét duyệt hộ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 990 tỷ đồng; 9.157 lao động được tuyển dụng tại 55 phiên giao dịch việc làm.

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho 13.730 trường hợp; chi trả trợ cấp cho người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền trên 930 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, Sở LĐTBXH cũng cho biết rằng, tại một số huyện việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn chậm. Còn tại các trường, công tác tuyển sinh hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyển sinh ở trình độ trung cấp và cao đẳng.

Do đó, hàng năm, TTDVVL tại nhiều địa phương đã thực hiện kết nối giữa NLĐ, DN và các trung trung tâm đào tạo nghề tổ chức dạy nghề ngắn hạn tại trụ sở và chi nhánh trung tâm vào các buổi tối và các ngày thứ 7, củ nhật. Đồng thời, thực hiện liên kết với cơ sở dạy nghề để đào tạo theo danh mục địa phương ban hành.

Mặt khác, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề cũng đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, đến năm 2018 con số này là 37.977 người. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương. Những ngành nghề được đào tạo nhiều là: đào tạo lái xe, cơ điện, sửa chữa xe có động cơ, làm đẹp, nấu ăn…

 Ảnh Thủy Trúc

Thực tế cho thấy, thách thức quan trọng nhất của thế kỷ 21 là chuyển từ cạnh tranh vị thế dựa vào tài nguyên sang cạnh tranh đối đầu, tức là dựa vào nguồn nhân lực có kỹ năng thành thạo. Chỉ có kỹ năng nghề của người lao động mới giải quyết được vấn đề cạnh tranh. Do đó, việc chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động sẽ góp phần giảm thất nghiệp.

Đào tạo nghề có ý nghĩa rất quan trọng để người lao động nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Việc tư vấn học nghề đóng vai trò quan trọng, giúp người lao động hiểu rõ các điểm mạnh, yếu của bản thân, nắm bắt nhu cầu của người sử dụng lao động và thị trường... qua đó góp phần định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Sở LĐTBXH cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Sở sẽ chỉ đạo các phòng LĐTBXH, các đơn vị trực thuộc tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương; làm tốt công tác tham mưu, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác việc làm. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động…

Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương để triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn