MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trên 800.000 phương tiện gắn thẻ Etag chưa sử dụng. Ảnh ĐT

Trên 800.000 phương tiện gắn thẻ Etag chưa sử dụng

Minh Hạnh LDO | 13/05/2020 15:31
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay cả nước có khoảng 800.000 phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng (Etag) nhưng chưa sử dụng; nguyên nhân là do mới chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc chủ xe phải thực hiện.

Theo ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính kế toán (Cục Đăng kiểm VN), hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu phương tiện nhưng hiện  mới chỉ có khoảng 800.000 phương tiện dán thẻ Etag. Trong đó, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thu phí tự động (VETC) dán 600.000 thẻ, hệ thống các đơn vị đăng kiểm dán khoảng 200.000 thẻ. Tiến độ như vậy là rất chậm, nguyên nhân do hiện tại quy định của nhà nước mới chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc; do đó, xe đến đăng kiểm, không có chế tài, họ không dán cũng không bị yêu cầu bắt buộc.

Nhiều lái, chủ xe cho rằng, dán thẻ chưa mang lại hiệu quả thiết thực, vì dán thẻ nhưng qua nhiều trạm không có làn thu phí tự động không dừng. Cùng đó, việc dán thẻ, mở tài khoản nhưng không trừ trực tiếp vào tài khoản cá nhân mà trừ vào tài khoản trung gian. Do vậy, cần có cách nào để khi xe đi qua trạm sẽ tự động trừ vào tài khoản cá nhân.

Ông Võ Anh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel) cho biết, theo kế hoạch, năm 2020 Viettel sẽ vận hành 33 trạm với điều kiện các chủ thể của BOT. Cụ thể là hợp đồng của các nhà đầu tư của 33 trạm này phải nhanh chóng bàn giao mặt bằng, hạ tầng cũng như toàn bộ hệ thống để liên danh mới có thể tiếp nhận. Đây là một khó khăn cần có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để các liên doanh này sẽ nhanh chóng tiếp cận được các trạm BOT.

Cũng theo ông Võ Anh Tâm, muốn hệ thống thu phí không dừng này thành công thì cần tạo ra hệ sinh thái đa mục tiêu cho thẻ này, có thể đi được tất cả các đường quốc lộ, cao tốc, các khu bến bãi của sân bay, các điểm đỗ… Cùng đó, do về mặt chế tài, pháp lý chưa rõ ràng, nên hy vọng trong thời gian tới, có những quy định mạnh hơn tạo thành ý thức của người dân cũng như ý thức của chủ phương tiện sử dụng.

Hiện Viettel đang lên phương án thành lập hệ thống panel, hệ thống kết nối, tuyên truyền, xử lý trung tâm và hệ thống back - end (phần lập trình trên sever) để triển khai sớm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn