MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe quá tải ngang nhiên hoạt động trên đê Sông Hồng. Ảnh: G.T

Triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm dẹp xe quá tải

Minh Hạnh LDO | 08/10/2022 06:00

Trước thực trạng xe cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải diễn biến phức tạp, phá hỏng kết cấu hạ tầng, mất ATGT và ô nhiễm môi trường. Cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT nhiều giải pháp để xử nghiêm xe quá tải.

Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, mặc dù tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải thời gian qua tuy đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, ô nhiễm môi trường.

Xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở đất đá quá tải từ các mỏ, các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc, xe tải, xe ben tự đổ cơi nới kích thước thành thùng, chở đá, quặng cao lanh… tại các địa phương như Lạng Giang (Bắc Giang), Quảng Yên (Quảng Ninh), Sơn Dương (Tuyên Quang), Yên Bình và Lục Yên (Yên Bái), Đô Lương (Nghệ An)... Cá biệt, ngay tại các huyện Thường Tín, Thanh Oai của Hà Nội một số xe tải, xe ben nhãn hiệu Howo chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải từ các bãi tập kết ven sông Hồng, lưu thông trên QL1 và các tuyến đường liên huyện

Tiếp đến nhiều xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở vật liệu xây dựng quá tải để cung cấp cho dự án đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, lưu thông trên tuyến đường từ xã Phước Ninh, huyện Ninh Phước đi xã Nhị Hà, huyện Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận. Các xe ben cơi nới kích thước thành thùng, chở đá quá tải từ các mỏ đá khu vực Tân Cang, lưu thông ra QL.51, địa phận thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai…

Nhằm siết chặt quản lý và dẹp xe quá tải trọng, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở GTVT tiếp tục rà soát hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, có phương án sửa chữa, khắc phục nếu hư hỏng; bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động song song với việc sử dụng cân tải trọng xách tay. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, TTGT và chính quyền địa phương để kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp... Lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.

Đáng chú ý, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT sớm sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 66:2013/BGTVT về trạm kiểm tra tải trọng xe, trong đó có nội dung về hệ thống cân Trạm kiểm tra tải trọng xe tự động để có cơ sở đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành. Xem xét chỉ đạo các Dự án đầu tư xây dựng đường bộ mới (nhất là các dự án đường bộ cao tốc) đưa hạng mục cân Trạm kiểm tra tải trọng xe (tự động) vào công trình đường bộ phải đầu tư.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm tiếp tục kiểm tra, rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc được gắn bộ ben thủy lực và thùng hàng kiểu container hoán cải, các xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm theo quy định; đồng thời nghiên cứu, đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý để bảo đảm sức răn đe.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị chỉ đạo các cảng, bến thủy nội địa phải lắp đặt thiết bị cân cố định và có phương án để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy ximăng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn