MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Triển khai rầm rộ nhưng Phú Yên đang gặp khó trong dự án cao tốc Bắc - Nam

Hoài Luân LDO | 02/03/2023 08:14

Mặc dù đã tích cực trong công tác bàn giao mặt bằng, thế nhưng tỉnh Phú Yên vẫn đang gặp khó khi triển khai thi công dự án cao tốc Bắc - Nam do mặt bằng được bàn giao không liên tục và giá vật liệu tăng cao.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 qua địa phận tỉnh Phú Yên gồm 2 dự án thành phần: Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong, đi qua 6 địa phương với tổng chiều dài hơn 90km.

 Các đơn vị đang triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 qua địa phận tỉnh Phú Yên. Ảnh: Hoài Luân

Trên tuyến có 48 công trình cầu, 9 cầu nút giao liên thông, 3 cầu trên đường bộ địa phương vượt qua đường cao tốc, 62 cống chui dân sinh, 21,37km đường gom, 1 công trình hầm, 6 nút giao khác mức và 1 nút giao đồng mức. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc qua Phú Yên là trên 20.848 tỉ đồng (trong đó, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh 10.074 tỉ đồng; Đoạn Chí Thạnh - Vân Phong 10.774 tỉ đồng) từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, tính đến nay, tỉnh này đã giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư hơn 73,5km, đạt 81,5%. Tuy nhiên, phạm vi mặt bằng đã bàn giao không liên tục nên các nhà thầu mới chỉ tổ chức thi công được hơn 35km đạt 39,1%.

Bộ trưởng Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Phú Yên ngày 28.2. Ảnh: Hoài Luân

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên vào cuối tháng 2.2023,  đại diện Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh) cho biết: Gói thầu 12-XL địa phương đã bàn giao 18,2/22,1km nhưng các nhà thầu mới tiếp cận thi công được khoảng 12,8km.

Tương tự, gói thầu 13-XL đã bàn giao được 15,63/19,97km nhưng mới tổ chức thi công được khoảng 5km. Các vị trí còn lại chưa thi công do mặt bằng nhận được không liên tục.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả - nhà thầu gói thầu XL01 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong cho biết, giá vật liệu thực tế ngoài thị trường tại các mỏ ở tỉnh Phú Yên đang cao gấp 2, gấp 3 lần so với giá dự toán độc lập.

“Hiện nay, các mỏ trong quy hoạch thì giá cả hợp lý. Tuy nhiên, các mỏ gián tiếp đang được cho khai thác thì giá cả gấp 2, gấp 3 lần so với các tỉnh còn lại. Giá cả như vậy gây khó khăn cho nhà thầu trong việc thi công dự án cao tốc” - đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay.

Theo ông Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương liên quan phải vào cuộc phối hợp tích cực, hiệu quả với Ban quản lý dự án và các nhà thầu để tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy tiến độ các Dự án.

Về giá cả vật liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, giá bán vật liệu xây dựng thông thường hiện nay ở mức cao, trong đó trữ lượng không thiếu. Tỉnh đã cho thành lập đoàn thanh tra về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với mặt hàng này, doanh nghiệp phải thực hiện bán đúng giá đã niêm yết.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, so với thời điểm cuối năm 2022 thì hiện nay, các công việc của các dự án trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, tuy nhiên những khó khăn vẫn chưa thực sự được tháo gỡ, đặc biệt là việc GPMB và giá nguyên vật liệu xây dựng.

Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Phú Yên phải chỉ đạo trực tiếp việc cấp mỏ cho các nhà thầu thi công, đặc biệt phải đảm bảo việc quản lý giá; huy động lực lượng chức năng như công an và thanh tra phải vào cuộc xử lý ngay nếu phát hiện vi phạm, xử lý phải thật nghiêm để đảm bảo kỷ cương.

“Đây là công trình quan trọng của quốc gia và khu vực, địa phương lại hưởng lợi trực tiếp, chính vì vậy phải cộng đồng trách nhiệm, phối hợp, hỗ trợ với nhau tích cực để dự án về đích đảm bảo tiến độ và chất lượng” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn