MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngã tư Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt đều ngập trong nước. (Hình ảnh ghi nhận vào ngày 4.9.2023). Ảnh: Tạ Quang

Triều cường sớm, sụt lún liên tục xảy ra ở Cần Thơ

PHONG LINH LDO | 08/09/2023 13:04

Nước ngập không phải chuyện xa lạ đối với người dân Cần Thơ cũng như nhiều thế hệ gia đình miền Tây. Nhưng không chỉ ngập sớm, Cần Thơ còn đối mặt với tình trạng sụt lún nghiêm trọng.

Sụt lún ngày càng nhiều

Đợt Rằm tháng 7 Âm lịch, TP Cần Thơ lại lênh đênh nước, nhất là vào ngày 4.9.2023, nước dâng tại các tuyến Huỳnh Cương, Cách mạng Tháng Tám, Mậu Thân (đoạn cầu Rạch Ngỗng), Trần Hưng Đạo,… khiến việc di chuyển của người dân, hoạt động kinh doanh trở nên vất vả hơn. Song, theo người dân, điều bất thường là những năm trước, con nước này sẽ không gây ngập.

Bà Nguyễn Thị Kiều (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Nước năm nay lên sớm vì thông thường rằm tháng 7 ở Cần Thơ sẽ không ngập. Tôi nghĩ triều cường báo động nhiều vấn đề về môi trường ở Cần Thơ và miền Tây vì nếu mỗi năm, nước cứ lên cao hơn và sớm hơn thì rất nguy hiểm”.

Thường xuyên tập thể dục ở hồ Xáng Thổi (đường Huỳnh Cương), ông Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ: Hằng năm, con nước cuối tháng 8 và rằm tháng 9 Âm lịch là có khả năng gây ngập cao nhất vì là thời gian này nước lũ về nhiều. Nhưng một điều lạ là từ tháng 7 năm nay nước đã ngập, tôi lo là đất đồng bằng đang bị sụt lún”.

Theo số liệu đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở 287 mốc chuẩn quan trắc của vùng ĐBSCL trong hơn 10 năm gần đây cho thấy, tốc độ sụt lún đất trung bình là 0,96cm/năm, trong khi mỗi năm mực nước biển lại dâng thêm 0,35cm. Kết quả cho thấy, với tốc độ sụt lún đất và nước biển dâng, tình trạng ngập lụt sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Riêng kết quả quan trắc sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao tại 4 địa phương gồm: Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre trong hơn 10 năm gần đây, tốc độ sụt lún trung bình là hơn 10cm, trong đó Cần Thơ sụt lún nghiêm trọng nhất (15,49cm), với tốc độ trung bình 1,31cm/năm, thấp nhất là Bến Tre (0,55cm/năm).

Phép thử cho các dự án chống ngập?

Tháng 10.2022, Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết, mực nước triều cường cao nhất được ghi nhận tối 12.10 trên sông Hậu đạt mốc 2,27m, vượt báo động 3 tới 0,27m. Đây là mức triều cường cao nhất trong lịch sử, chưa từng được ghi nhận tại TP Cần Thơ, vượt quá mức triều cường 2,25m vào năm 2019.

Để giải quyết tình trạng ngập nặng trong nội thành, Cần Thơ đã và đang cho triển khai nhiều công trình, dự án chống ngập như nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước của 32 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều; công trình âu thuyền Cái Khế; nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh kéo dài đến đường Hoàng Quốc Việt;…

Mừng rỡ khi tuyến đường Nguyễn Văn Cừ thoát cảnh ngập đợt Rằm tháng 7, anh Nguyễn Tấn Lộc - chủ một cửa hàng kinh doanh giường nệm trên đường này - cho biết: “Đội thi công tiến hành nâng cấp đường hồi đầu tháng 8 khiến tôi khá lo vì sắp mùa ngập. May mắn là lần này đường được nâng 0,5m nên thông thoáng. Tôi hy vọng rằng đợt triều cường sắp tới các tuyến khác cũng sẽ thông thoáng, nhất là khi học sinh trở lại trường”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan (phường Tân An, quận Ninh Kiều) lại có ý kiến trái chiều: “Hầu hết các tuyến đường ở nội ô quận Ninh Kiều đã được đào đặt cống, nâng cao so với đợt triều cường lịch sử năm 2022, tuy nhiên đợt này vẫn bị ngập. Tôi cho rằng, đây sẽ là phép thử đối với dự án chống ngập của thành phố cũng như hệ thống thoát nước của chúng ta”.

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, mùa triều cường năm 2023 bắt đầu xuất hiện vào những ngày đầu và giữa các tháng, từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch.

Tháng 8, đỉnh triều cường lên cao ở mức báo động I và báo động II; các tháng 9, 10 và 11 mực nước cao nhất các đợt triều cường sẽ vượt mức báo động III (2m). Mực nước cao nhất năm 2023 có khả năng ở mức 2,15m đến 2,25m (vượt báo động III từ 0,15 - 0,25m). Trên sông Hậu tại Cần Thơ đỉnh triều cao nhất năm xuất hiện vào tháng 9 và tháng 10.2023.

Sóc Trăng khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông, đê biển

Kế Sách là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông, đê cồn nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn huyện ghi nhận 68 đoạn, chiều dài 1.773m tại các tuyến đê sông xã An Mỹ, Trinh Phú, thị trấn Kế Sách.

Ông Nguyễn Văn Non - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng) - cho biết: “8 tháng đầu năm 2023, xã ghi nhận 27 điểm sạt lở lớn nhỏ ảnh hưởng đến giao thông nông thôn, vật chất tài sản của người dân. Như vụ sạt lở bờ sông trên đoạn huyện lộ 6 hồi đầu tháng 6.2023 ước thiệt hại gần 500 triệu đồng”.

Tương tự, tại huyện Cù Lao Dung cũng ghi nhận trên 30 điểm sạt lở nghiêm trọng lấn sát chân đê với chiều dài hơn 1.500m.

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng đầu năm 2023 đến nay, sạt lở đê bao, đê biển với chiều đài 1.775m

Để chủ động ứng phó, phòng chống sạt lở bờ sông, đê biển, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin: Chúng tôi tiếp tục đề xuất trình UBND tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư công trình Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu do Trung ương hỗ trợ với kinh phí 300 tỉ đồng.

Đồng thời triển khai phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai dự án WB9 tại huyện Cù Lao Dung như nâng cấp đê biển, xây dựng mới 2 tuyến đê sông Cồn Tròn và Bến Bạ. Khởi công Dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, đê biển khu vực ĐBSCL năm 2022 của Bộ NNPTNT trên địa bàn huyện Kế Sách và Dự án xây dựng kè ngầm bảo vệ bờ biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu,..PHƯƠNG ANH

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn