MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân mong muốn thay đổi linh hoạt mức hưởng các năm đóng thừa BHXH theo từng giai đoạn. Ảnh: Minh Phương

Trợ cấp khi đóng thừa năm bảo hiểm xã hội cần thiết thực hơn

Minh Phương LDO | 31/10/2023 09:30

Tiếp tục đi làm sau 30 - 35 năm đóng bảo hiểm xã hội là một cống hiến thiết thực cho hệ thống an sinh xã hội. Vì vậy, nên có những chính sách công bằng cho các đối tượng này để họ an tâm gắn bó lâu nhất có thể.

Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất lao động đóng thừa năm bảo hiểm xã hội ngoài lương hưu tối đa 75% còn được nhận trợ cấp một lần.

Với mỗi năm đóng thừa, người lao động được hưởng 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Nếu lao động đã đủ tuổi về hưu, đủ điều kiện nhận lương hưu tối đa mà vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng thêm bằng 2 lần bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đa phần người lao động, đặc biệt là lao động trẻ đều cho rằng đề xuất này chưa thiết thực.

27 tuổi, có 9 năm đóng bảo hiểm xã hội, chị Nguyễn Quỳnh Dương - công nhân may tại Hà Nam chia sẻ, chị sẽ cố gắng đi làm công ty, không quên nhấn mạnh có thể làm trên 30 năm nếu lúc đó công ty không cho nghỉ việc và còn sức khỏe.

Tuy nhiên, chị Dương cho rằng, Nhà nước nên có chế độ đặc biệt với những người đóng thừa năm bảo hiểm xã hội. Theo nữ công nhân, đề xuất tăng lên 2 lần bình quân lương chỉ phù hợp với công nhân sắp đóng đủ 30 - 35 năm. Với những công nhân mới đóng bảo hiểm hoặc đóng được 20 năm đổ lại, đề xuất chưa đủ sức níu kéo họ.

“21 năm nữa tôi mới đóng đủ 30 năm, lúc đó mức đóng bảo hiểm chắc chắn trên 1 triệu đồng/tháng. Một năm đóng 12 tháng hơn 12 triệu đồng chưa kể tiền công ty đóng nhưng nhận về 2 lần lương bình quân là cực kỳ thiệt thòi” - chị Dương phân tích.

Đề xuất mức trợ cấp các năm đóng thừa bảo hiểm xã hội sao cho phù hợp, chị Dương nêu ý kiến: “Theo tôi, không nên cố định 2 lần bình quân tiền lương mà phải có lộ trình thay đổi thường xuyên. Cứ 3 năm tăng thêm 1 lần, ví dụ năm 2023 là 2 lần thì năm 2026 là 3 lần, như vậy sẽ phù hợp hơn”.

Ngoài đề xuất thay đổi linh hoạt trợ cấp cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thừa, nữ công nhân cũng đề xuất về tỉ lệ đóng của người lao động.

Chị Dương chia sẻ, đóng đủ 30 - 35 năm đồng nghĩa đã sát tuổi 50, lúc đó nên bỏ chế độ thai sản để giảm tỉ lệ đóng cho doanh nghiệp. Nếu có thể thì giảm tỉ lệ đóng cho cả người lao động xuống dưới 5% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đỡ chi phí cho các lao động lớn tuổi, công nhân cũng vơi bớt nỗi lo bị sa thải.

Chị Dương cho biết, khi người lao động đã đóng đủ 30 - 35 năm đồng nghĩa họ đã hết trách nhiệm với hệ thống an sinh xã hội. Lúc đó, quyền đóng tiếp hay dừng lại do người lao động làm chủ.

Chị Dương cho rằng, nếu chính sách bất lợi, chị sẽ làm cam kết không đóng với lý do đã đóng đủ số năm. Như vậy, nữ công nhân không bị trừ 10,5% tiền bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cũng không phải trích 21,5% để đóng bảo hiểm cho người lao động. Lúc đó, chỉ có hệ thống an sinh xã hội bất lợi.

Theo Điều 58, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau khi đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội với nữ, 35 năm với nam, cứ mỗi năm đóng thừa sẽ được hưởng thêm 0,5 tháng lương. Công thức tính tháng lương hưởng bằng tổng số tiền lương đóng bảo hiểm xã hội chia cho số tháng tham gia. Đề xuất mới tăng từ 0,5 tháng lương lên 2 tháng lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn