MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trong 10 tháng, Cần Thơ xảy ra 39 vụ sạt lở gây thiệt hại hơn 30 tỉ đồng

Tạ Quang LDO | 21/11/2023 16:48

Cần Thơ - So với cùng kỳ năm 2022, trong 10 tháng năm 2023, số vụ sạt lở trên các tuyến sông ở Cần Thơ tăng 30 vụ. Đặc biệt, có 35 vụ sạt lở xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7.2023 (chiếm gần 90% số đợt sạt lở từ đầu năm 2023).

Trong 10 tháng năm 2023, Cần Thơ xảy ra 39 vụ sạt lở ở 7 quận, huyện gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh. Các vụ sạt lở đã làm bị thương 2 người, sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần 21 căn. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là gần 2.100m, thiệt hại tài sản ước tính hơn 30 tỉ đồng.

Sạt lở tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

So với cùng kỳ năm 2022, số vụ sạt lở trên các tuyến sông ở Cần Thơ tăng 30 vụ. Đặc biệt, 35 vụ sạt lở xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7.2023 (chiếm gần 90% số đợt sạt lở từ đầu năm 2023).

Trước thực trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, TP Cần Thơ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát cụ thể và tham mưu đề xuất.

Ngày 21.11, trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Quí Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, qua khảo sát, đánh giá tình hình, Ban đã tham mưu cho UBND TP ban hành 17 lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để tổ chức khắc phục ngay những điểm sạt lở nhằm đảm bảo chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đặc biệt, giúp cho hoạt động giao thông được nối lại, do các điểm sạt lở đa phần là cắt đứt các những tuyến giao thông.

Sạt lở tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

Với thực trạng trên, Cần Thơ đã được Chính phủ quan tâm, hỗ trợ 250 tỉ đồng để thực hiện dự án phòng, chống sạt lở, phòng chống thiên tai.

Về nguyên nhân sạt lở, ông Ninh cho rằng, đó là hệ quả tương tác của các yếu tố, trong đó có yếu tố nguồn gốc tự nhiên cũng như yếu tố nguồn gốc từ con người.

“Người dân không xây dựng nhà trái phép ven sông, kênh rạch, cũng như chất tải, gia tải trên bờ sông. Từ thực trạng sạt lở, cần ưu tiên sử dụng giải pháp công trình dân gian truyền thống có sẵn ở địa phương như cừ dừa, cọc tràm, cọc tre… như vậy mới có thể tạo được sức lan tỏa lớn, kinh phí không tốn kém. Từ đó, nâng cao nhận thức cộng đồng, phát động cho người dân cùng chung tay với chính quyền bảo vệ phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch”, ông Ninh nói.

Đối với vị trí xung yếu, ông Ninh thông tin thêm, các giải pháp công trình dân gian truyền thống đã đầu tư nhưng ít hiệu quả, cần phải tham mưu thực hiện các giải pháp công trình bê tông cốt thép kiên cố, để phục vụ mục đích phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân cũng như kết hợp với bố trí, di dời, sắp xếp lại dân cư vùng sạt lở, tạo cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Giao thông bị chia cắt do sạt lở gây ra. Ảnh: Tạ Quang

Trước đó, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cùng đoàn công tác đã có buổi đi khảo sát các điểm sạt lở, công tác khắc phục sạt lở trên sông Trà Nóc (quận Bình Thủy), sông Ô Môn qua địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, nếu xây kè hết các điểm sạt lở thì kinh phí không thể kham nổi mà chỉ làm ở những vị trí khẩn cấp. Đối với những điểm sạt lở gây mất đường giao thông thì cần nhanh chóng khắc phục để đảm bảo việc đi lại của người dân.

Bí thư Thành ủy lưu ý thêm, khi làm đường cần kết hợp mở rộng mặt đường so với trước đó, vừa khắc phục sạt lở, vừa kết hợp chỉnh trang đô thị để người dân có thể kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Hiếu cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để giải ngân nguồn vốn Trung ương vừa bổ sung cho các địa phương ĐBSCL phòng, chống sạt lở; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn