MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục tàu thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn bị sóng đánh lật úp, hư hỏng sau trận lốc xoáy vào năm 2022. Ảnh: Diễm Phúc

Trong 24 giờ tới có khả năng xảy ra lốc xoáy

Hiếu Anh LDO | 11/06/2023 10:22

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cảnh báo, trong 24 giờ tới, trên vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Hồi 1 giờ ngày 11.6, vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ có vị trí vào khoảng 20,8-21,8 độ Vĩ Bắc; 108,9-109,9 độ Kinh Đông.

Dự báo, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Đông Đông Bắc. Trên vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Lốc xoáy từng tàn phá Bình Định. Ảnh minh họa Diễm Phúc

Ngoài ra, trong ngày 11.6, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7; vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau và vùng biển phía Tây Nam của khu vực giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2,0-3,5m; biển động.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng dự báo ngày 11.6, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; lượng mưa phổ biến từ 15-30mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá ở cấp 1.

Cơ quan này tiếp tục thông tin dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Theo đó, từ ngày 11-12.6, khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ c, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1.

Trong tình hình các hồ thủy điện thiếu nước trầm trọng, một số địa phương đã có mưa rải rác. Cụ thể, mưa ngày (19h 9.6-19h 10.6), khu vực miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rải rác, lượng mưa phổ biến dưới 40mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Sa Pa (Lào Cai) 61mm, Tây Trang (Điện Biên) 84mm, Chợ Tràng (Nghệ An) 45mm, Đăk Trăm (Kon Tum) 67mm.

Mưa đêm (19h 10.6 đến 7h 11.6), khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rải rác, lượng mưa phổ biến dưới 30mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Đắk Hà (Kon Tum) 41mm, U Minh (Cà Mau) 43mm, Giá Rai (Bạc Liêu) 38mm.

Nhằm ứng phó với tình hình thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành các công văn: số 203/VPTT ngày 7.6, về việc chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển; số 204/VPTT ngày 8.6 về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

Văn phòng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển.

Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn; thời tiết nguy hiểm trên biển và nắng nóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn