MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trồng rau má cổ, người nông dân ở Thanh Hóa thu hàng trăm triệu mỗi năm

QUÁCH DU LDO | 26/07/2023 11:52

Cách đây hơn 20 năm, ông Lương Trọng Tuấn (ở Thanh Hóa) đã quyết định nhổ hoa trồng loại rau má cổ. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu hàng trăm triệu nhờ bán rau má.

Nhổ hoa trồng rau má

Gia đình ông Lương Trọng Tuấn (61 tuổi, ở làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện nay được biết đến là nơi cung ứng rau má cổ (loại rau má ta) cho thị trường cả trong và ngoài tỉnh, với tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ruộng rau má cổ xanh mướt của gia đình ông Lương Trọng Tuấn. Ảnh: Quách Du

Chia sẻ với Lao Động, ông Tuấn cho hay, để có thành quả như ngày hôm nay, ông cùng gia đình đã phải trải qua một quá trình đầy gian nan, từ việc chọn giống cho đến quyết định nhổ hoa trồng rau má.

Theo ông Tuấn, cách đây hơn 20 năm, trong một lần người thân từ trong Nam về quê chơi và cho biết, rau má ở các tỉnh phía Nam được tiêu thụ rất lớn tại các nhà hàng, quán xá. Ban đầu ông chưa để ý nhiều về vấn đề này, tuy nhiên, sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đã nảy ra ý tưởng trồng rau má để bán.

“Ngày đấy, Thanh Hóa rau má đang mọc hoang rất nhiều, nên sau khi biết ý định của tôi nhiều người cho rằng đó là việc làm gàn dở. Bỏ ngoài tai những ý kiến tiêu cực, tôi quyết định lao vào công việc” - ông Tuấn chia sẻ.

Năm 2000, gia đình ông có khoảng 200m2 đất vườn đang trồng hoa, nhưng sau khi quyết định trồng rau má, ông đã nhổ hết số hoa và bỏ ra nhiều ngày lên khu vực đồi C4 (cách nhà khoảng 1km) để tìm và mang giống rau má cổ về trồng trong vườn. Loại rau má này dễ trồng và khả năng thích ứng rất nhanh, vậy nên sau một thời gian kiên trì nhân giống gia đình ông đã có những ruộng rau xanh tốt.

Ông Tuấn “đội nắng” tưới nước, chăm sóc ruộng rau má. Ảnh: Quách Du

“Hơn 20 năm trước, việc bán rau má không thuận lợi như bây giờ, vì thị trường lúc bấy giờ đang còn ít người mua, bởi họ nghĩ, muốn ăn rau má thì ra vườn, ra đồng nhổ về ăn chứ cần gì phải mua. Không bỏ cuộc, tôi và vợ cứ kiên trì mang rau xuống chợ đầu mối bán, sau đó cũng thấy nhiều người tìm đến mua mang về chế biến đồ ăn thức uống. Thậm chí, các nhà hàng, khách sạn cũng bắt đầu tìm đến mua” - ông Tuấn nhớ lại.

Bán được rau, ông Tuấn quyết định mở rộng quy mô và mang rau má ra khu vực bãi bồi để trồng. Với diện tích ban đầu chỉ vài trăm mét vuông, đến nay gia đình ông đã phát triển và trồng khoảng hơn 4 sào (hơn 2.000 m2).

Nuôi con đại học nhờ rau má

Theo ông Tuấn, sở dĩ loại rau má này được nhiều người ưa chuộng vì ăn vào có vị chát, khi nuốt vào cổ có vị ngọt thanh và đặc biệt rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay giá bán trên thị trường dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/1kg.

Nhờ trồng rau má, mỗi năm gia đình ông Tuấn thu hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Quách Du

Mỗi tháng thu hoạch rau má 1 lần, với hơn 4 sào ruộng, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 400 triệu đồng. Trừ các chi phí, nhân công mỗi năm gia đình ông thu lời khoảng trên 200 triệu đồng.

“Nếu không có rau má, có lẽ tôi khó mà chăm lo cho gia đình và nuôi các con học đại học. Tôi nuôi 2 con gái đầu học đại học ngoài Hà Nội và chăm lo chữa bệnh cho con trai út bị bệnh bẩm sinh cũng nhờ bán rau má” - ông Tuấn cho hay.

Nhiều hộ dân học theo mô hình trồng rau má của gia đình ông Tuấn, đã mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Quách Du

Được biết, sau khi thấy mô hình trồng rau má của gia đình ông Tuấn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình ở làng cổ Đông Sơn đã học tập trồng theo. Cụ thể đến nay, trên địa bàn đã có 22 hộ trồng rau má, với diện tích khoảng 2ha, mang lại thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn