MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mua thuốc điều trị COVID-19 tại tiệm Long Châu (TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ly

Trữ thuốc điều trị COVID-19 trong nhà: Cẩn thận kẻo rước họa vào thân

Nguyễn Ly LDO | 07/03/2022 07:39
Số ca mắc COVID-19 gia tăng tại TPHCM, nhiều người dân đã tự ý đi mua thuốc kháng virus COVID-19 về trữ “phòng hờ” khi có nhiễm xảy ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà quản lý, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc nguồn thuốc bán cho người thực sự cần, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe...

Tâm lý mua thuốc dự trữ và tự ý  sử dụng rất nguy hiểm

Sinh sống và làm việc tại TPHCM nhiều năm, chị N.T.P (quận Phú Nhuận, TPHCM) có bố mẹ già ở quê, dịch bệnh bùng phát nên chị P. vô cùng lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ mình. Khi nghe chia sẻ của bạn bè về việc mua thuốc “phòng hờ” cho bố mẹ, chị P. đã mua 2 hộp thuốc Molravir 400mg, dạng hộp 20 viên nang cứng về cho bố mẹ sử dụng nếu không may nhiễm bệnh. 

“Dịch bệnh căng thẳng, không lường trước điều gì nên tôi quyết định mua cho bố mẹ. Giá ngoài các tiệm thuốc là 260.000 đồng/hộp/20 viên, tôi mua ở địa chỉ bạn giới thiệu giá 290.000 đồng/hộp/20 viên, có đắt hơn xíu nhưng không cần chứng minh theo quy định bắt buộc của Bộ Y tế là phải có giấy xác nhận F0, kê đơn bác sĩ mới được mua”, chị P. chia sẻ. 

Cùng chung suy nghĩ với chị P, chị P.T.D (TP.Thủ Đức, TPHCM) công việc hằng ngày đi ra ngoài tiếp xúc với rất nhiều người nên khả năng lây nhiễm cao, do đó chị D. đã chủ động tìm mua thuốc trên các trang mạng xã hội để dự trữ sẵn trong nhà. 

“Tôi nghĩ việc mua thuốc để sẵn trong nhà 1-2 hộp trong giai đoạn này giúp tôi yên tâm hơn, mặc dù biết là thuốc có những tác dụng phụ chưa nghiên cứu ra hết nhưng thấy nhiều người có sẵn trong nhà nên mình cũng cố gắng tìm mua”, chị D. chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ việc này vô cùng nguy hiểm, không hợp lý. Nếu người dân tự ý mua và sử dụng thì người đầu tiên bị ảnh hưởng chính là họ. 

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc có hoạt chất Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Duy Tùng, thành viên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành khuyến cáo, thuốc trị COVID-19, đặc biệt thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu trong thời gian tới.

Về thuốc kháng virus Molnupiravir, đây là thuốc có cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Thuốc này không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Vì không biết liệu Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng hay không, FDA khuyến cáo nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng.

“Xé rào” bán thuốc

Theo quy định của Bộ Y tế về quy trình bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc trên cả nước, người dân nếu muốn mua được thuốc cần phải tuân thủ các điều kiện như: Có toa thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương. Tuy nhiên, vẫn có hệ thống nhà thuốc “xé rào” bán cho người dân bằng cách chấp nhận cho người dân được mua thuốc bằng việc quay lại clip bệnh nhân test dương tính hoặc không ít nơi bán qua mạng, thị trường chợ đen hoạt động nhộn nhịn không cần kiểm tra điều kiện F0 như quy định của ngành Y tế.

Trong buổi tập huấn trực tuyến với hơn 6.500 nhà thuốc trên địa bàn TPHCM mới đây, nhiều nhà thuốc cũng bày tỏ khó khăn việc bán thuốc cho người dân khi không chứng minh được là F0 cần mua thuốc. 

Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Dược học, Chủ tịch Chi hội dược nhà thuốc thành phố đề xuất nên cho các nhà thuốc được tham gia vào quá trình tư vấn, cấp phát thuốc, bởi trong đại dịch vừa qua, bản thân các nhà thuốc đã tư vấn, tiếp xúc nhiều bệnh nhân nên nhiều dược sĩ có thể đảm nhận được việc bán thuốc cho bệnh nhân chưa được bác sĩ kê đơn. 

Đồng thời, hiện nay, TP vẫn chưa có quy định cụ thể những bác sĩ chuyên khoa nào được kê đơn nên đề nghị thành phố hướng dẫn cụ thể. 

Cũng trong buổi tập huấn, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, yêu cầu tăng cường lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn với thuốc nhập lậu, thuốc giả, bán thuốc đúng quy định và không niêm yết giá. Trong thời gian qua chúng tôi kiểm tra thì nhiều cơ sở không niêm yết giá nên cần điều chỉnh công khai niêm yết giá. Nếu có yếu tố hình sự sẽ được chuyển qua cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn