MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trục vớt tàu 8.000 tấn chìm ở Cần Giờ: Phải chờ thêm 30 ngày nữa

MINH QUÂN LDO | 09/11/2019 18:14
Sau 20 ngày kể từ khi tàu Vietsun Integrity bị chìm trên luồng sông Lòng Tàu thuộc địa phận huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), mặc dù đã có phương án trục vớt tàu nhưng cần thời gian ít nhất một tháng nữa mới hoàn tất.

Liên quan đến tình hình xử lý sự cố tàu Vietsun Integrity chở 293 container chìm trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh, ngày 19.10), UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, đến nay các đơn vị đã hút được 150 tấn dầu và trục vớt được 60 container ở khu vực tàu chìm.

Tuy nhiên, việc trục vớt có nhiều khó khăn bởi các container chìm lâu ngày, làm tăng trọng lượng do hàng hoá bên trong ngấm nước, chưa kể các thùng hàng cũng đã hư hỏng nặng.

Các lực lượng chức năng khống chế, ngăn không cho dầu từ tàu bị nạn loang ra môi trường. Ảnh: M.H

Theo UBND TP.Hồ Chí Minh, hiện chủ tàu chủ tàu là Công ty CP Nhật Việt đã trình phương án trục vớt tàu và container chìm dưới đáy sông.

Tuy nhiên, theo phương án, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi nhất thì thời gian dự kiến tối thiểu phải một tháng nữa mới đưa được tàu Vietsun Integrity và container vào bờ để thông luồng hàng hải.

Việc chậm trễ trục vớt tàu Vietsun Integrity để thông luồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng hải và xuất nhập khẩu tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, từ khi xảy ra vụ chìm tàu trên luồng sông Lòng Tàu, buộc các tàu phải chuyển hướng qua luồng Soài Rạp để cập các cảng ở TP.Hồ Chí Minh. Do luồng Soài Rạp không sâu bằng luồng Lòng Tàu, các tàu có mớn nước sâu (hơn 9 mét) buộc phải giảm tải mới có thể đi vào luồng an toàn.

Các tàu container thì phải cập các cảng ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) trước để dỡ bớt hàng nhằm giảm tải, sau đó mới quay ngược ra biển, đi vào luồng Soài Rạp để vào các cảng ở TP.Hồ Chí Minh. Việc này khiến các tàu phải đi xa hơn và chịu phát sinh thêm một lần các loại phí hoa tiêu, phí trọng tải, phí tàu lai, phí cầu bến...

Cũng theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, sự cố chìm tàu Vietsun Integrity còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, vì đây đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp tăng cao.

Cụ thể, tính từ thời điểm sự cố đến ngày 4.11, đã có 38 tàu phải neo phao chờ thuỷ triều mới có thể cập hoặc rời cảng Cát Lái, có 22 tàu phải giảm tải tại Cái Mép - Thị Vải trước khi cập cảng Cát Lái.

Đối với hàng xuất khẩu, có tổng cộng 40-50 tàu phải có kế hoạch giảm hàng xuất khẩu, với bình quân các tàu phải cắt 80-120 TEU/tàu, chiếm 5-9% sản lượng xuất khẩu của tàu. Dự kiến, với bình quân 1 tuần hơn 4000 TEU phải cắt giảm hoặc sử dụng tàu tăng cường để vận chuyển, chi phí khai thác của các hãng tàu cũng tăng theo và tăng áp lực trong công tác bố trí cầu bến của cảng.

Hiện nay để giải quyết khó khăn, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã có chính sách hỗ trợ chi phí phát sinh. Trong đó, hỗ trợ 50% giá dịch vụ vận chuyển container đối với các tàu giảm tải làm hàng tại cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép và cảng Tân Cảng - Cái Mép - Thị Vải đã ký hợp đồng trước đó, giảm 26% nếu ký hợp đồng dịch vụ xếp dỡ vận chuyển container.

Ngoài ra, cảng cũng hỗ trợ giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa Tân Cảng - Hiệp Phước và Cát Lái tùy theo trường hợp.

Trước đó, sáng sớm 19.10, tàu Vietsun Integrity - chủ tàu là Công ty CP Nhật Việt - dài 132,6m, trọng tải 8.015 tấn cùng 293 container bị chìm trên luồng sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ). May mắn, sự cố không có thiệt hại về người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn