MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình cabin tập lái xe đang được thử nghiệm và chứng nhận sự phù hợp với chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe ôtô. Ảnh: Hữu Thành

Trung tâm dạy lái xe đứng trước nguy cơ dừng đào tạo

TRÍ MINH LDO | 08/12/2022 06:00

Theo Thông tư số 04/2022 của Bộ GTVT, từ ngày 1.1.2023 các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe phải lắp đặt, đưa cabin điện tử tập lái vào phục vụ công tác đào tạo. Mặc dù đã được gia hạn, nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều cơ sở dạy lái xe trên địa bàn TP.Hà Nội đều chưa có thiết bị này, đứng trước nguy cơ tạm dừng đào tạo.

Cần có quy chuẩn rõ ràng

Theo quy định của Thông tư 04, các trung tâm đào tạo (TTĐT) phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc. Học viên phải có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường mới được thi sát hạch lái xe.

Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời điểm thực hiện nhưng nhiều TTĐT vẫn loay hoay chưa thực hiện được. Nguyên nhân do ngoài việc xây dựng thêm phòng học và cơ sở vật chất liên quan, các trung tâm còn phải chuẩn bị kinh phí mua cabin tập lái, tuyển dụng thêm nhân sự vận hành, bảo quản trang thiết bị, tập huấn giáo viên giảng dạy.

Theo ông Lê Đình Thanh - Giám đốc Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe TP.Hà Nội, hiện chưa có một đơn vị nào đủ điều kiện để cung cấp các trang thiết bị cho trung tâm để làm căn cứ thực hiện cho quá trình đầu tư. Trong khi đó, thời gian còn rất là ngắn, quá trình đầu tư đòi hỏi tốn kém, nguồn kinh phí cũng rất lớn khiến các TTĐT đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), Bộ GTVT cũng đã chỉ định đơn vị để thử nghiệm các cabin tập lái xe của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như sản xuất lắp ráp ở trong nước, đưa sản phẩm đến các cơ sở thử nghiệm, các cơ sở chứng nhận sự phù hợp mà Bộ GTVT chỉ định, để chứng minh sản phẩm của mình hợp với quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia về cabin tập lái xe.

Trước những khó khăn của các TTĐT, các chuyên gia cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi áp dụng quy định này. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiện nay vẫn chưa có đơn vị được công nhận hợp quy để cung ứng sản phẩm này ra thị trường. Do đó, cần có thử nghiệm ở trong  phạm vi nhất định, nếu thực sự phù hợp, có hiệu quả thì mới đưa ra diện rộng. Một số ý kiến phản ánh rằng, khi ngồi trải nghiệm thực tế trên cabin khoảng 10 đến 15 phút thì thấy chóng mặt giống như say xe. Do đó, vấn đề này cần phải lưu ý trong việc xem xét, đánh giá thiết bị đủ điều kiện cấp chứng nhận hợp quy, bởi có những người 60 tuổi vẫn đi học lái xe. Việc có quá ít đơn vị cung ứng cabin tập lái ra thị trường cũng dẫn đến nguy cơ giá sẽ bị đẩy lên rất cao, dễ dẫn đến độc quyền.

Chi phí lớn, doanh nghiệp gặp khó

Hiện nay Bộ GTVT đã có quyết định lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin điện tử học lái xe ôtô, các nhà sản xuất thiết bị sẽ có đủ thời gian đưa thiết bị đi thử nghiệm trước 1.1.2023. Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đôn đốc đẩy nhanh quá trình chứng nhận sản phẩm hợp quy và sẽ công bố doanh nghiệp có sản phẩm cabin điện tử hợp quy trên trang web. Đồng thời, phía Cục cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe nhanh chóng mua sắm thiết bị, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình.

Tuy nhiên, đến nay mới có 2 đơn vị được chỉ định cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với cabin tập lái xe ôtô gồm: Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) và Công ty CP Chứng nhận và kiểm định Vinacontrol.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Văn Toản - Chủ tịch HĐTV Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho biết, 2 năm qua do ảnh hưởng của COVID-19, công tác đào tạo lái xe ôtô gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn các trung tâm đều khó thu hút học viên. Do đó, việc triển khai cabin tập lái xe rất khó khăn do chi phí cao 500 triệu đồng/cabin, mỗi TTĐT phải đầu tư 10 đến 15 cabin (khoảng trên 5 tỉ đồng), đây là số tiền rất lớn. Trong khi đó giá chào bán cabin của mỗi nhà cung cấp thiết bị cabin tập lái (cả đơn vị đã được cấp chứng nhận hợp quy và đơn vị chưa được cấp chứng nhận hợp quy) rất khác nhau. Do đó, cần kéo dài thí điểm tại một số cơ sở và sau đó triển khai tại các trung tâm theo dạng công cụ trải nghiệm, chứ không nên quy định một cách cứng nhắc về số lượng thời gian học. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn