MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trước siêu bão Mawar, ngư dân cần lưu ý an toàn lao động

Xuyên Đông LDO | 30/05/2023 10:57

Cơ quan Khí tượng thủy văn Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến siêu bão Mawar.

Cùng với sự quan tâm của cơ quan nhà nước, người dân cần chủ động đảm bảo an toàn lao động trên biển.

Ngư dân cần theo dõi siêu bão Mawar để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa Hữu Long

Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC) cũng cảnh báo về an toàn lao động trên biển.

Theo VMRCC, an toàn lao động nghề biển hiện nay ngày càng đáng lo ngại, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn, sự cố trên biển vẫn là do thiếu thông tin liên lạc, thiếu trang thiết bị an toàn kỹ thuật, an toàn sinh mạng, đồng thời ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của một bộ phận ngư dân chưa cao.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân trước mùa mưa bão, VMRCC đề nghị tập huấn cho ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải; cách ứng cứu, phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp xảy ra tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Đồng thời, tiếp tục củng cố các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt vừa tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra.

"Thực tế là không có lực lượng nào có thể cứu hộ, cứu nạn nhanh, kịp thời hơn các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển do họ đánh bắt trên cùng ngư trường, có tần số liên lạc chung, thống nhất các quy ước, dấu hiệu trong trường hợp không may gặp tai nạn để các thành viên khác và tàu cá trong cùng tổ đội có cách tìm kiếm hiệu quả nhất" - VMRCC nhấn mạnh.

Để khắc phục và hạn chế tối đa rủi ro, ngư dân cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, đồng thời ghi nhớ các tần số cứu nạn khẩn cấp, số điện thoại liên lạc của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam.

Ngư dân có thể nghe các bản tin cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết biển và các thông tin an toàn hàng hải khác trên hai tần số 7906 KHz và 8294 KHz.

Khi gặp tai nạn, sự cố trên biển cần sự trợ giúp, ngư dân có thể liên lạc với bất kỳ đài thông tin duyên hải nào trên tần số 7903 KHz để được hỗ trợ kịp thời.

Nhằm đảm bảo an toàn, hiện nay, Cục Hàng Hải Việt Nam cũng đã ban hành quy định người lên xuống làm việc dưới tàu.

Theo đó, khi bước chân xuống cầu tàu phải chú ý xem cầu thang bắc có chắc chắn không, đảm bảo không? Nếu không chắc chắn phải bắc lại rồi mới được xuống. Khi xuống, không hấp tấp vội vàng, cầu lật người rơi xuống nước gây tai nạn.  Không được đi guốc, dép cao su không có quai hậu trên tàu; Khi lên tàu xuống dốc, đi phải vịn tay vào tay vịn hoặc dây chằng.

Không nhảy từ cầu tàu lên tàu, từ tàu lên cầu, phải đi bằng cầu thang. Không được tự ý chạy nhảy, leo trèo, không được nô đùa, xô đẩy nhau trên tàu.

Đi đứng dưới tàu phải chú ý cẩn thận nếu không dễ bị trượt ngã gây tai nạn, đi qua miệng hầm hàng, két, phải chú ý tránh để rơi xuống hầm gây chết người;

Các thiết bị, máy móc nếu không có nhiệm vụ tránh sờ mó, nghịch ngợm làm hư hỏng, mất độ chính xác;

Khi tàu làm hàng cấm đứng ở đầu dây chằng, cần cẩu, dưới cần cẩu và góc quay chết của cần cẩu, những vị trí này rất dễ gây tai nạn;

Không ngồi xổm trên chỗ be tàu và ngồi những chỗ chênh vênh của tàu tránh rơi xuống biển.

Khi tàu mất điện đột ngột, trong những khu vực tối, đi lại phải hết sức thận trọng, tránh vấp ngã, va đập hoặc bước hẫng xuống hầm;

Không được đứng gần chỗ đang làm việc, đang sửa chữa khi không có trách nhiệm.

Nếu không chấp hành đúng nội quy ở trên thì người trực chuyên viên an toàn có quyền mời lên khỏi tàu sau khi có nhắc nhở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn