MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh ở Đà Nẵng chuẩn bị cho việc học trực tuyến. Ảnh: Tường Minh

Trước thềm năm học mới, mới chỉ 60% học sinh Đà Nẵng có SGK mới

Tường Minh LDO | 02/09/2021 15:58

Do thành phố bị phong toả gần 20 ngày nay, nên nhiều học sinh, đặc biệt là con em người lao động ở Đà Nẵng vẫn chưa có sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho năm học mới.

Mới chỉ 60% học sinh có sách vở

Chị Phạm Thị Linh, ở phường Hoà An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, là công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Hoà Khánh. Mấy hôm nay, chị Linh đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt trong khu phong toả vì ngày khai giảng đã cận kề, nhưng hai con của chị, một đứa năm nay vào lớp 1, một đứa lên lớp 4 vẫn chưa mua được vở, sách giáo khoa và dụng cụ học tập.

Học sinh ở Đà Nẵng chuẩn bị cho việc học trực tuyến. Ảnh: Tường Minh

“Hồi mới nghỉ hè xong, định đi mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo cho hai đứa thì đang kẹt tiền nên khất lại chờ gần vào năm học. Giờ năm học mới đã cận kề, đứa em vừa chuyển cho mượn ít tiền để lo cho các cháu vào năm học mới thì lại vướng dịch, không chỉ khu dân cư của tôi mà toàn thành phố phong toả. Giờ đến ăn ngày ba bữa cũng thiếu trước hụt sau, thực phẩm đặt mua 3-4 ngày mới có thì nói chi chuyện mua sách vở”, chị Linh thở dài cho biết.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng cùng hai con (đứa vào lớp 3, đứa vào lớp 4) làm công nhân ở Bình Dương nhưng đã kịp đóng cửa nhà, bỏ việc, dắt díu nhau chạy về nương nhờ ông bà ở Đà Nẵng từ hồi trong đó mới bùng phát dịch.

Ban đầu chị Hồng tính năm nay sẽ xin cho hai đứa “học ké” ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì “học ké” hay học chính thức, ở Đà Nẵng hay Bình Dương thì cũng như nhau bởi tất cả đều online!

“Hai đứa giờ không chỉ thiếu sách vở, dụng cụ học tập mà ngay cả phương tiện để học online như máy tính cũng không có. Điện thoại của ba mẹ thì đồ rẻ tiền, xài lâu năm nên cứ chập cheng lúc vào mạng được lúc không, vào được thì nghe tiếng không thấy hình, có khi nghe hình không thấy tiếng. Là còn chưa nói đến việc phải đóng học phí và nhiều khoản tiền khác cho hai đứa. Trong khi hai vợ chồng, số tiền tích luỹ được cứ cạn dần theo dịch COVID-19.   

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, khảo sát của Sở và thông tin từ các công ty sách cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 60% học sinh trên toàn thành phố đã mua sách giáo khoa mới và 50% học sinh đã mua đồ dùng học tập.

Sẽ cung ứng theo hình thức shipper

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Sở Giáo dục và  Đào tạo đã báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng về việc sau khai giảng năm học. Theo đó nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, UBND thành phố xem xét cho phép các công ty sách, các nhà sách được hoạt động, cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập… cho học sinh theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp, nhằm đảm bảo cho học sinh sớm có sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học mới.

Về kế hoạch triển khai kế hoạch dạy học trong 2 tuần đầu sau khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đề nghị các trường chủ động thực hiện việc dạy học trực tuyến trong 2 tuần đầu. Trong đó, nội dung học trực tuyến chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức cũ nên học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa của năm học trước.

Sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen thì học sinh có thể bước đầu tiếp cận sách giáo khoa qua địa chỉ website https://hanhtrangso.nxbgd.vn.

Với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến do không có máy móc, đường truyền; là F0 đang điều trị, F1 đang cách ly tập trung… các trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình; hướng dẫn giáo viên gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… để phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng còn yêu cầu các trường học báo cáo số lượng giáo viên đang ở các địa phương khác không thể về Đà Nẵng kịp năm học mới hoặc là F0 đang được điều trị, các trường hợp đang cách ly tập trung hoặc đang ở khu vực cách ly y tế để chủ động xử lí.

Các trường vẫn phân công nhiệm vụ để giáo viên nhận lớp và tổ chức dạy - học trực tuyến theo hướng dẫn; những giáo viên nào không đảm bảo các điều kiện dạy trực tuyến thì nhà trường chủ động bố trí dạy thay theo đúng các yêu cầu về chuyên môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn