MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu tá Sa Trọng Kiên (thứ 3 từ trái vào) tuyên truyền pháp luật cho bà con xã vùng cao Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Khánh Linh

Trưởng công an xã nặng lòng với bản cao

Khánh Linh LDO | 18/02/2023 11:30
Sơn La - Với người dân ở xã vùng cao Làng Chếu, huyện Bắc Yên, thiếu tá Sa Trọng Kiên không chỉ là người trưởng công an xã tận tình, trách nhiệm, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con đồng bào Mông nơi đây.

Ngày đầu năm, vượt qua con đường vắt ngang sườn núi, PV Báo Lao Động đã có mặt tại xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, một trong những xã vùng cao của tỉnh Sơn La, nơi quanh năm sương mù bao phủ. 

Khi chúng tôi vừa đến nơi cũng là lúc thiếu tá Sa Trọng Kiên - trưởng công an xã cùng các đồng chí chuẩn bị đi tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự tại bản. 

Lái xe xuyên qua màn sương đặc quánh, thiếu tá Kiên tâm sự: “Xã Làng Chếu cách trung tâm huyện 25km. Từ trung tâm xã đến bản xa nhất là Làng Chếu và Păng Khúa cũng phải mất cả tiếng đồng hồ". 

Sinh ra và lớn lên ở xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, năm 2014, người chiến sĩ công an dân tộc Mường lên nhận công tác tại Đồn công an Làng Chếu - đồn công an đảm bảo an ninh trật tự tại 5 xã vùng cao huyện Bắc Yên. 

Nói về những khó khăn khi thời điểm đầu mới lên gắn bó với nơi rẻo cao, thiếu tá Kiên nhớ lại: "Bà con nơi đây 100% là đồng bào Mông, nhận thức còn nhiều hạn chế nên khó khăn lớn nhất là việc bất đồng ngôn ngữ, dân nói mình không hiểu và ngược lại. Ngày đó đi xuống với dân bản lúc nào cũng phải "cắp nách" một cán bộ xã, bản đi cùng để còn làm phiên dịch viên".         

Không chỉ bất đồng ngôn ngữ, đây cũng là nơi có thời tiết khá khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ có thời điểm xuống chỉ còn 1-2 độ C, có sương muối và băng giá.

  Đường đi lại tại các xã vùng cao Sơn La chủ yếu là đường đất. Ảnh: Khánh Linh

Vượt lên những khó khăn, hình ảnh người trưởng công an xã học tiếng dân tộc để nói chuyện với dân, ở trong dân nhiều hơn ở trụ sở, đi địa bàn nhiều hơn về nhà đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây.

"Còn nhớ năm 2018, khi bắt đầu xây dựng dữ liệu về dân cư, anh em đi bản Păng Khúa để thu thập dữ liệu dân cư. Sau khi tiếp nhận giấy tờ của bà con để cập nhật vào biểu dữ liệu của Công an tỉnh thì trời bắt đầu đổ mưa to, gió lớn, sấm chớp đùng đùng. Mà sáng hôm sau mình lại có cuộc họp ở Công an huyện.

Đi ngược lên xã thì không lên được, buộc mình phải đi đường qua xã Phiêng Ban để về trung tâm huyện. Đêm thì tối như mực, nhà dân ven đường thì không có lại còn phải vượt qua con suối to. Quả thực rất sợ, nhưng xác định rằng mình công tác ở vùng cao, những chuyện như thế này là bình thường. Rất may mắn hôm đó mình đã về an toàn" - vị trưởng công an xã tâm sự. 

Chia sẻ khi được hỏi về kinh nghiệm công tác ở vùng cao, thiếu tá Kiên cho biết: "Với bà con dân bản, mình muốn tuyên truyền không phải cứ mang sách vở ra nói là được, phải kiên nhẫn từng chút một. Đôi khi những nội dung tuyên truyền, hướng dẫn bà con, mình đan xen trong các câu chuyện hỏi thăm thường ngày, lấy ví dụ từ các câu chuyện thực tế để bà con hiểu, nhớ và không có hành vi vi phạm pháp luật nữa".

 Thiếu tá Kiên gần dân, sát dân, tận tình trách nhiệm với dân. Ảnh: Khánh Linh

Trò chuyện với PV, anh Lù A Sà (bản Làng Chếu, xã Làng Chếu) cho biết: "Trước đây Làng Chếu dù không phải điểm nóng ma túy, nhưng an ninh trật tự phức tạp lắm. Các dòng họ mâu thuẫn, người dân trồng thuốc phiện, ngô lúa không biết trồng sao cho hiệu quả, con cái cũng không được đi học!".

Theo anh Sà, thiếu tá Kiên cùng các đồng chí đã đến từng nhà tuyên truyền bà con phá bỏ cây thuốc phiện, trồng ngô lúa giống mới, không những đủ ăn, nhiều nhà còn có của ăn của để. Trẻ con được đi học, người ốm đau đã được đưa đi bệnh viện.

Nhận xét về người trưởng công an xã tận tình, nhiệt huyết, ông Hạng A Củ - Bí thư Đảng ủy xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên cho biết: "Thiếu tá Kiên là người năng động, nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ đi địa bàn gần dân, sát dân”.

Theo vị Bí thư Đảng ủy, nhờ gắn bó sâu sát với dân, công an xã đã phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. 

"Tình hình an ninh trật tự địa phương đến nay được đảm bảo, không còn trộm cắp, phá rừng, tảo hôn hay người ngoài xã vào lợi dụng lôi kéo bà con làm điều trái pháp luật nữa. Nay nhận thức của người dân đã khác nhiều rồi" - ông Củ nói thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn