MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh phải cấp cứu vì các biểu hiện ngộ độc. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Trường học chưa "rộng cửa" để phụ huynh góp mặt kiểm soát bếp ăn bán trú

Thùy Linh LDO | 30/03/2023 13:20

Hàng chục học sinh trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân- Hà Nội) phải nhập viện với các biểu hiện ngộ độc sau chuyến đi dã ngoại. Vụ việc tiếp tục làm dấy lên lo ngại ở các phụ huynh học sinh, về sự an toàn cho con em mình khi tham gia ăn bán trú tại các trường học. 

Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào bếp ăn trường học

Tại Việt Nam, các ban ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường cũng có những quy chuẩn riêng cho việc quản lý bếp ăn tại trường học. Mặc dù có quy định như vậy, nhưng trên thực tế nhiều vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra với tần suất không hề nhỏ.

Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ việc 665 ca ngộ độc thực phẩm liên quan Trường iSchool Nha Trang hồi cuối năm 2022, trong đó có 1 trường hợp học sinh lớp 1 tử vong. 

Theo kết quả của Viện Pasteur Nha Trang, có 3 loại vi khuẩn được phát hiện qua xét nghiệm mẫu cánh gà chiên là Salmonella spp, Escherichia coli và Bacillus cereus. Trong đó, Bacillus cereus - chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu - còn có trong mẫu nước mắm.

Theo Trung tâm Y tế Nha Trang, "việc thực phẩm chưa rã đông hoàn toàn, nấu chưa chín kỹ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật trong thức ăn phát triển gây nhiễm khuẩn thức ăn".

Đội điều tra ngộ độc thực phẩm thành phố Nha Trang điều tra, kết luận: Bếp ăn tập thể trường ISchool Nha Trang là cơ sở tổ chức, chế biến và thực hiện cung cấp suất ăn để xảy ra ngộ độc thực phẩm bữa ăn vào trưa ngày 17.11.2022. Món cánh gà chiên là thức ăn gây ngộ độc, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.

Nhận định ban đầu về vụ việc hàng chục học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị ngộ độc, TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: "Về nguyên nhân dẫn đến việc tiêu chảy và nôn hàng loạt của các cháu, căn cứ đặc điểm triệu chứng của trẻ, cho thấy đây là vụ ngộ độc thực phẩm do kết hợp nguyên nhân ngoại độc tố vi khuẩn và nhiễm khuẩn.

Trong trường hợp này, các độc tố vi khuẩn thường là các độc tố của vi khuẩn tụ cầu hoặc của vi khuẩn Bacillus cereus, gây nên các triệu chứng tiêu hóa và mất nước là chính và kết thúc nhanh khi điều trị. 

Đồng thời trong thực phẩm có thể có lẫn các vi khuẩn, phổ biến là các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, khi vào cơ thể phát triển và gây nhiễm trùng (sốt, thay đổi xét nghiệm) ở một số trẻ. Các bác sĩ cũng nhận định chưa thấy các biểu hiện về nguyên nhân do hóa chất". 

Học sinh Trường Tiểu học Kim Giang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhiều trường học chưa "rộng cửa" để phụ huynh góp mặt kiểm soát bếp ăn

Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc tại các bếp ăn bán trú của học sinh, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - cho rằng đã đến lúc phải báo động, phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc quản lý bếp ăn trường học. 

Để đảm bảo ATVSTP tại bếp ăn bán trú, việc cấp thiết là phải thành lập các ban kiểm tra tiếp nhận thực phẩm bán trú, có sự góp mặt của ban lãnh đạo nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh, kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác.

"Nhiều trường học chưa “rộng cửa” để phụ huynh được góp mặt trong kiểm soát bếp ăn; bên cạnh đó chính phía phụ huynh đôi khi cũng bận rộn, không có thời gian để sát sao được hết" - ông nói. 

Bên cạnh đó, nhân viên y tế nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, test nhanh mẫu thực phẩm hằng ngày tại các bếp ăn tập thể. Triển khai test chuyên sâu định kỳ nhằm phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm.

Ngoài nguồn gốc thực phẩm, cũng cần kiểm tra, giám sát, thực hiện quy trình đảm bảo VSATTP với người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, với cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến. 

Nhiều hoạt chất được phát hiện với hàm lượng cao nhưng chưa có quy định mức giới hạn tối đa cho phép, chưa có quy định mức giới hạn chung đối với các hoạt chất chưa có quy định đối với sản phẩm cụ thể xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép của các hoạt chất

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, việc xây dựng lộ trình, từng bước tiến đến sản xuất nông sản phải bắt buộc thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt, bắt buộc ghi nhãn hàng hóa với nông sản tươi sống và truy xuất nguồn gốc.

An toàn thực phẩm phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu dùng, từ trang trại tới bàn ăn. 

Theo báo cáo của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội, ​tính đến 12h ngày 29.3.2023, tổng số đã có 73 cháu học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) có các biểu hiện ngộ độc phải vào viện cấp cứu và điều trị. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn