MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trường Sa, pháo đài vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển

Bình Quý LDO | 21/01/2023 20:23

Trường Sa đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước, cũng là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Trong nhiều năm qua, ngư dân các tỉnh miền Trung đánh bắt trên biển Trường Sa dù có gặp trục trặc về máy móc, thiết bị, lương thực hay sức khoẻ, luôn có quân, dân cùng các lực lượng ở các đảo của huyện Trường Sa sẵn sàng hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tuấn Tú – ngư dân Quảng Ngãi nói rằng, trong suốt nhiều mấy chục năm đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, ngư dân đều được hỗ trợ với các dịch vụ như kiểm tra, sửa chữa máy móc, cung cấp dầu, lương thực, thực phẩm hay nước ngọt và cả thuốc men chữa bệnh.

Trường Sa là chỗ dựa để ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Thu Cúc

Hiện huyện đảo Trường Sa hiện có 8 bệnh xá quân y và 1 trung tâm y tế được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, có thể giải quyết những ca bệnh cho quân và dân của huyện cũng như bà con ngư dân gặp nạn trên biển.

Trong đó, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa có nhiều trang thiết bị hiện đại, có hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối với Bệnh viện Quân y 175, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Các ca bệnh, trường hợp tai nạn lao động trên biển của ngư dân đều được hỗ trợ đưa vào đảo gần nhất để sơ, cấp cứu ngay...

Lãnh đạo huyện Trường Sa cũng xác định phải chăm lo tốt cho quân và dân và trở thành là điểm tựa vững chắc cho ngư dân cả nước vươn khơi bám biển dài ngày.

Trường Sa hôm nay đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp mọi dịch vụ để ngư dân vươn khơi, bám biển và là nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão.

Trường Sa đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân đánh bắt dài ngày. Ảnh: Thu Cúc

Hiện các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho các tàu cá như 6 bể chứa nước ngọt dung tích 900m3; kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt; kho lạnh có thể dự trữ và cung cấp trên 800 cây đá/ngày…

“Có chỗ dựa là nhân dân, chính quyền và các lực lượng ở các đảo Trường Sa, mỗi chuyến đi biển của chúng tôi đều vô cùng an tâm. Anh em ngư dân luôn yên tâm bám biển dài ngày” – ngư dân Trần Văn Tuyến ở TP.Nha Trang chia sẻ.

Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa khẳng định, Trường Sa hiện nay đang là chỗ dựa đáng tin cậy, mang lại nhiều lợi ích thiết thực để bà con ngư dân có thể bám biển dài ngày khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, xác định sự có mặt dân sự thường xuyên của ta ở vùng biển xa thuộc chủ quyền của Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế biển.

Hiện nay, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, Trường Sa sẽ thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.  

Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải đánh giá đây là cơ hội lớn, vừa là thách thức của địa phương, huyện sẽ tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ, có định hướng chính xác, cụ thể để thực hiện đạt được mục tiêu.

Trước mắt, Trường Sa sẽ tập trung vào thế mạnh sẵn có là hậu cần đánh bắt và nuôi trồng hải sản, hậu cần hàng hải. Về lâu dài, huyện xác định phải sớm đưa Trường Sa thành trung tâm của nhiều ngành nghề khác trên biển, không chỉ là trung tâm hậu cần nghề cá trên biển như hiện nay, đơn cử như phát triển mạnh hơn về nuôi trồng hải sản có giá trị kinh tế cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn