MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai.

TS Hồ Xuân Mai: "Cải cách chữ viết 2/3 dân số lập tức rơi vào tình trạng… “mù chữ”"

CAO HÙNG LDO | 28/11/2017 14:00
Những ngày qua, trước đề xuất cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền đã gây bão dư luận xung quanh chủ đề này. TS ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai – Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ - đã trả lời phỏng vấn của Lao Động.

Thưa TS Hồ Xuân Mai, việc PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải cách chữ quốc ngữ, liệu tiếng Việt hiện nay có cần phải cải cách hay không?

Mấy ngày qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền. Đây không phải lần đầu tiên có một ý kiến như vậy. Từ giữa thế kỷ trước, các học giả uyên bác như Bùi Đức Tịnh và Trần Trọng Kim đã đề cập chuyện này.

Nghĩa là có những cải cách nhất định để sử dụng chữ quốc ngữ hiệu quả hơn. Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền cũng không ngoài mục đích này. Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản ứng rất dữ dội của dư luận. Vậy, tại sao một việc có ích, có lợi lại bị phản đối?

Theo tôi, riêng đào tạo đội ngũ làm mỗi cái việc đánh máy lại những tài liệu, văn bản đã có trước đây thôi đã… không khả thi. Và, có đủ kinh phí làm công việc đó? Chưa nói, nếu cải cách theo đề xuất của ông Hiền, tôi chắc rằng 2/3 dân số VN, tức khoảng 80 triệu người, lập tức rơi vào tình trạng… “mù chữ”.

Theo ông Bùi Hiền, do chữ viết tiếng Việt vẫn còn những khiếm khuyết, cần phải sửa đổi. Vì vậy, cần phải cải cách. TS thấy thế nào?

Chữ quốc ngữ đã có lịch sử 397 năm (tính từ năm 1620). Hiện nay, chữ quốc ngữ đã ổn định. Người Việt học chữ quốc ngữ từ mẫu tự latinh rất nhanh và sử dụng nó để tiếp thu tri thức nhân loại rất tốt, không gặp khó khăn nào.

Vậy, có thực sự cần thiết phải cải cách chữ quốc ngữ không? Nếu cho rằng chữ quốc ngữ của VN có nhiều bất hợp lý, thì thử hỏi, có ngôn ngữ nào, chữ viết nào trên thế giới đã hoàn toàn “hợp lý”? Những ai tiếp xúc với chữ quốc ngữ của các vị linh mục và thừa sai ở các thế kỷ 16, 17, 18 và “văn bản mẫu” của PGS.TS Bùi Hiền, thấy  không khác nhau…

Chẳng lẽ, sự phát triển của chữ quốc ngữ gần 400 năm qua là… hỏng, phải quay về “xuất phát điểm” ?

Như vậy, quan điểm của ông là tôn trọng chữ quốc ngữ hiện có cũng như tôn trọng lịch sử chữ quốc ngữ, với cả các ưu, khuyết điểm của nó?

Nét chữ là nét văn hóa, là tình cảm của dân tộc. Tuy có những bất hợp lý, nhưng chữ quốc ngữ đã đi vào lịch sử.  Và, nó trở thành một phần của văn hóa dân tộc, nên không có lý do gì phải thay đổi nó.

Cho dù có nhiều bất hợp lý, chữ còn rườm rà; nhưng một khi đối tượng sử dụng nó (ở đây là dân tộc Việt) chấp nhận, thì ta phải tôn trọng.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn