MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đơn vị liên quan đang khẩn trương sửa chữa để phục vụ thí điểm đường dành riêng cho xe đạp. Ảnh: Phạm Đông

Từ 1.2, đưa tuyến đường ven sông Tô Lịch dành riêng cho xe đạp vào hoạt động

Phạm Đông LDO | 30/01/2024 07:54

Hà Nội chính thức đồng ý chủ trương thí điểm tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo sản phẩm phục vụ du lịch của thành phố.

Làm đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch

UBND TP Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương thí điểm tổ chức làn đường dành cho xe đạp trên tuyến đường ven sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.

Theo ghi nhận của Lao Động, tuyến dọc theo sông Tô Lịch (từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy) hình thành trên cơ sở đã có đường đi bộ ven sông Tô Lịch với chiều dài 2.300m, rộng 4m. Tuyến có khả năng kết nối với ga Láng của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Việc xây dựng làn đường dành cho xe đạp trên tuyến này sẽ tạo khả năng kết nối với các tuyến xe buýt thông qua 6 điểm dừng trên đường Láng.

Dự kiến, ngày 1.2, Sở GTVT sẽ đưa tuyến đường dành riêng cho xe đạp này vào hoạt động. Khi đi vào hoạt động, xe đạp sẽ được lưu thông hai chiều tại làn đường sát mép sông Tô Lịch, còn người dân đi bộ tại làn giáp với đường Láng.

Dọc tuyến có 6 trạm xe đạp công cộng, trong đó có trạm trước cổng Đại học GTVT và trạm tại ga Láng.

Đơn vị vận hành dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng cho biết, sẽ bổ sung khoảng 100 xe đạp thường và xe trợ điện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Thử nghiệm đáng mong chờ với người Hà Nội

TS Phan Lê Bình - giảng viên Đại học Việt Nhật - cho rằng, nếu có xe đạp công cộng thì người dân cũng tăng thêm lựa chọn về phương tiện di chuyển của mình. Ví dụ như đi xe buýt, tàu điện nhưng bến xe cách điểm mình cần đến khá xa thì có thể thuê xe đạp để đi tiếp. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, xe đạp công cộng còn tạo nên một sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải góp ý, trong các loại hình vận tải công cộng hiện nay, xe đạp là loại hình cung ứng tốt. Hiện vẫn còn khoảng trống từ nhà đến các nhà ga. Điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập, trở ngại. Một số ngõ nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận nên phương tiện chính của người dân là xe máy.

Do đó, cần hướng tới chuyển đổi đi xe máy sang đi bộ hoặc xe đạp. Hành lang giao thông mới là những mảnh đất màu mỡ để khảo sát và mở rộng mạng lưới vận tải xe đạp công cộng.

Bởi trong tương lai, phần khung chính của vận tải công cộng vẫn là đường sắt đô thị, xe buýt. Đây là xương sống cơ bản, bên cạnh đó là hệ thống đường sắt khối lượng nhẹ, buýt nhanh BRT. Xe đạp công cộng là mắt xích để kết nối, gom khách đi vào đầu mối tập trung đi vào đường lớn.

Trong thời gian thí điểm, Sở GTVT Hà Nội chủ động đánh giá, phân tích kỹ tồn tại, bất cập của phương án và điều chỉnh cho phù hợp (nếu cần), bảo đảm giao thông ổn định, thuận tiện, hạn chế ùn tắc.

Dựa trên hiện trạng, mật độ phương tiện, trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã lựa chọn hai tuyến phù hợp để nghiên cứu thí điểm làn dành cho xe đạp. Tuyến đường thí điểm thứ hai là vỉa hè quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn