MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên Thảo Anh dẫn hiện trường tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc khi dỡ phong toả vào ngày 4.3.2020.

Từ Bắc vào Nam - những chuyến tác nghiệp khó quên trong tâm dịch

Thảo Anh LDO | 13/08/2021 07:10
“Phóng viên Thảo Anh ghi nhận cuộc sống người dân Sơn Lôi trước giờ dỡ phong toả… Phóng viên Thảo Anh phản ánh hoạt động giãn cách tại Phù Cừ, Hưng Yên…”. Vác ba lô lên và đi, 18 tháng qua, tôi (phóng viên Báo Lao Động) không đếm nổi những chuyến vào tâm dịch COVID-19. Dịch bệnh ập đến khiến mọi hoạt động đời sống đều chậm lại nhưng khiến tôi nhanh hơn, trưởng thành hơn - trưởng thành từ những chuyến đi.

Tác nghiệp từ Bắc....

Sáng 13.2.2020, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chính thức có lệnh phong tỏa do có ca mắc COVID-19. Là ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam, người dân tại Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) khi ấy đã trải qua hành trình 21 ngày chiến đấu với COVID-19 - lúc ấy hằng còn là “giặc lạ”. Các y, bác sĩ, đến cán bộ y tế ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Hết thời gian phong toả, chúng tôi nhận nhiệm vụ đến Sơn Lôi để ghi nhận thời khắc trước trong và sau khi tháo chốt tại đây. 8h sáng ngày 3.3, chúng tôi lên xe di chuyển đến địa phương. Và thời khắc đó, 0h ngày 4.3, chúng tôi như được đón “giao thừa” giữa tháng 3 với những người dân Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dân, quân và hệ thống y tế đã chiến thắng bước đầu trong cuộc chiến “chống giặc” SARS-CoV-2 sau hành trình 21 ngày tưởng ngắn mà dài đằng đẵng. Giờ phút đó, thấy họ vui cười mà lòng chúng tôi cũng bồi hồi xúc động. 2h sáng, phóng viên chúng tôi lên xe trở về Hà Nội và tất nhiên không quên gửi thêm tin bài về toà soạn trên chặng đường đi.

Thật tâm, tôi không mong muốn được đón “giao thừa” như thế thêm lần nào nữa! Nhưng rồi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, những ngày bình yên ngắn chẳng tày gang. Đến nay, đã gần 2 năm từ khi dịch bệnh xuất hiện, từ Bắc vào Nam, thông tin nơi này xuất hiện ổ dịch phải phong toả, nơi kia hết lệnh giãn cách gỡ phong toả nhiều hơn. Và những lần “giao thừa” như thế không còn lạ nữa!

Nhiều người nói đùa gần 2 năm qua “xem như bỏ” vì mọi công việc đều phải ngừng lại nhưng tôi lại may mắn hơn. Gần 2 năm qua dẫu vất vả nhưng lại là khoảng thời gian tôi trưởng thành hơn trong công việc của mình, trưởng thành hơn từ những chuyến đi.

Những chuyến đi trong “bão” COVID-19 của tôi bắt đầu nhiều hơn, dày đặc hơn.

- Xin chào quý vị khán giả, hiện tại Thảo Anh đang có mặt tại chung cư Hồ Gươm, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội - nơi vừa phong toả sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 liên quan đến giám đốc công ty Hacinco…

- Xin chào quý vị khán giả, đằng sau tay Thảo Anh là khu vực cách ly tại BV Thanh Nhàn…

- Xin chào quý vị khán giả, tôi đang có mặt tại khu vực xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên - nơi đang cách ly phòng dịch sau khi phát hiện một số ca mắc COVID-19…

Không thấm tháp gì so với hy sinh, vất vả của đội ngũ y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19, nhưng trong dịch bệnh, chúng tôi - những phóng viên Báo Lao Động - đã cố gắng, nỗ lực “thần tốc” hơn nữa trên mặt trận thông tin. Những điểm nóng, hiện trường vụ việc, nơi phong toả vì có ca mắc COVID-19 - chúng tôi đều có mặt, đưa tin, dẫn trực tiếp từ hiện trường.

Tôi đã quen với việc tác nghiệp “bất thường” khi luôn thường trực bên mình bộ quần áo bảo hộ. Thế nhưng nếu như trải nghiệm mùa đông đã khó chịu thì giữa tiết hè oi ả của Hà Nội, bộ đồ bảo hộ khiến tôi khó thở, mồ hôi túa ra như tắm. Lúc đó, chúng tôi mới thấm thía bao nhọc nhằn, hy sinh của những chiến binh áo trắng. Họ vất vả hơn chúng tôi bội phần, vì thế chúng tôi thấy vững bút hơn trên mặt trận thông tin cũng lắm nguy cơ, nhiều nguy hiểm.

Làn sóng dịch thứ 4 ập đến bất ngờ khi trước đó cứ ngỡ dịch bệnh đã lui đi và mọi thứ đã trở về quỹ đạo. Ngày 29.4, khi đã sắp sẵn đồ đạc và mua vé xe về quê nghỉ lễ 30.4 - 1.5 thì đoàn công tác Bộ Y tế thông báo phóng viên cùng đoàn ghi nhận hoạt động phong toả xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên sau khi có ca mắc COVID-19. Thế là gác tất cả lại, tôi lại lên đường!

Đến nay, khi Hà Nội của tôi giãn cách xã hội để phòng dịch, tôi và đồng nghiệp chẳng còn cuống cuồng lên vì không thể đi phỏng vấn lấy tin. Chúng tôi - phóng viên và cả những chuyên gia, bác sĩ, nhân vật… đã quá quen với việc trò chuyện kết nối trực tuyến và nhìn nhau qua màn hình điện thoại, máy tính. Thật ra tác nghiệp trực tiếp thì tốt hơn là trực tuyến nhưng trong thời điểm dịch bệnh, thứ chúng tôi chọn là an toàn, đoàn kết và bình yên vượt qua đại dịch!

... Vào Nam

Tại TPHCM - một điểm nóng của dịch bệnh COVID-19, với Lê Khánh Linh (Phóng viên Cơ quan thường trú) với cô, tác nghiệp mùa dịch là một trải nghiệm đầy đặc biệt và có 1-0-2 trong cuộc đời này. Một “cơn bão” dịch bệnh chưa từng có tiền lệ với sức lây lan nhanh chóng và rất nhiều nguy hiểm sẵn sàng đe doạ tính mạng con người.

“Kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại đợt thứ 4 tại TPHCM, đó là những ngày chúng tôi - những phóng viên sống và tác nghiệp giữa tâm dịch. Không ngày nào là chúng tôi không có tin, bài về dịch, kể từ khi mở mắt ra đến khi đi ngủ, những tin tức về COVID-19 là những thứ chúng tôi nghe, đọc, viết nhiều nhất” - Khánh Linh kể.

Linh cùng những đồng nghiệp của mình đã phải lăn lộn, giáp mặt với những nguồn lây. Nhưng phải đến tiếp cận vì không đến khu vực đó thì không thể ghi nhận được những hình ảnh, sự kiện nóng đang diễn ra.

“Sau khi số lượng ca nhiễm tăng nhiều hơn, số ca chuyển nặng cũng nhiều hơn. Khi là một trong những người vào tác nghiệp ở những Bệnh viện dã chiến, Trung tâm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng… không còn sợ va phải F mà ngược lại chúng tôi cố gắng vào nơi đang có hàng nghìn F0, tận mắt chứng kiến nơi các bác sĩ đang chiến đấu để cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19, chúng tôi mới thấm dần được nỗi sợ. Nhìn thấy những bệnh nhân trẻ có, già có, bà bầu có, người bệnh nền có… đều trở thành “nạn nhân” của dịch bệnh, tôi sợ rằng nếu mình chỉ cần sơ hở dù chỉ một chút thôi, mình có thể trở thành nguồn lây.

Rồi khi đang làm việc và tác nghiệp, được nghe những câu chuyện của những người bệnh nhân F0, tôi nhận thấy mình may mắn. Vì có những người, dù ở nhà, dù hạn chế tiếp xúc, nhưng gia đình họ có bao nhiêu người đều trở thành F0” - những câu chuyện mà Khánh Linh trải nghiệm.

Thế nhưng hơn tất cả, với Linh bên cạnh những khó khăn và nỗi sợ đang hiện hữu đó, khi đi nhiều, thấy các y, bác sĩ hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với người bệnh còn nguy hiểm hơn, còn khó khăn hơn, nỗi sợ hãi của tôi dường như nhỏ dần lại.

Đối với Linh, được tác nghiệp trong đợt dịch này mới thấy nhiều lực lượng ở tuyến đầu chống dịch rất vất vả và người Việt Nam chúng ta trong lúc khó khăn thật sự sống rất nghĩa tình, đùm bọc.

“Tôi thấy cảm động và khâm phục vô cùng trước tấm lòng, sự nỗ lực của những người đang ngày đêm làm tình nguyện, từ thiện trong mùa dịch. Lòng tốt của họ là ngọn lửa sáng, cứu giúp rất nhiều mảnh đời khó khăn. Tôi mong muốn bằng nghề nghiệp của mình, bản thân cũng sẽ đóng góp một chút cho cuộc chiến chống dịch, ai cũng cố gắng hơn một chút, đóng góp nhiều hơn một chút, có như vậy chúng ta mới có thể thành công trong cuộc chiến lớn này” - Khánh Linh bày tỏ mong muốn của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn