MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trình bày báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Nguyên Anh

Từ chỉ số cải cách hành chính thấp nhất nước, Kiên Giang tăng vọt 22 bậc

NGUYÊN ANH LDO | 06/07/2023 15:09

Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính hàng năm (PAR Index) của Kiên Giang bị xếp hạng thấp nhất cả nước là 63/63 tỉnh, thành phố; năm 2022, chỉ số của tỉnh đã tăng 22 bậc, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố.

Ngày 6.7, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức Kỳ họp thứ mười bảy - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023. Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với 52 báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; có nhiều nội dung rất quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Theo UBND tỉnh báo cáo, các chỉ số năm 2022 của Kiên Giang đều tăng so với năm 2021. Cụ thể, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 34 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI) xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc.

Năm 2022, việc đo lường sự hài lòng của người dân tập trung lắng nghe nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, mức độ mong đợi của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân. Có 8 nhóm chính sách được lựa chọn bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc cải thiện các chỉ số đáng kể làm tiền đề và động lực quan trọng để các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục nỗ lực cho những năm tiếp theo. UBND tỉnh cũng đề ra mục tiêu năm 2023 tiếp tục duy trì nhóm khá 2 chỉ số PAR INDEX và SIPAS, phấn đấu tăng hạng 2 chỉ số PCI và PAPI.

Để nâng cao các chỉ số, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao chất lượng cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức trực tiếp và trực tuyến (đây là mong muốn của người dân, chiếm tỉ lệ trên 60%).

Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà để người dân, tổ chức phải đưa tiền ngoài quy định để công việc được giải quyết cho người dân, tổ chức.

Các ngành và địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đi đôi với tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất hồ sơ trễ hạn thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết. Kịp thời xử lý, giải quyết và công khai các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tiếp tục đổi mới phong cách lề lối làm việc, nâng lên năng lực trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ, vì sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn