MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 15 trường hợp mắc ho gà. Ảnh minh họa: Hương Sơn

Từ đầu năm tới nay, số ca ho gà ở Hà Nội gấp 15 lần năm 2023

Thu Giang LDO | 14/03/2024 17:22

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 15 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 3 tuần liên tiếp (từ ngày 16.2 đến 8.3), trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 3-6 ca ho gà/tuần.

Từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hà Nội đã có 15 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh. Điều đáng nói, bệnh ho gà chủ yếu xuất hiện ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dẫn chứng, trường hợp của bé trai 6 tuần tuổi (ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) mới đây đã khởi phát bệnh với các triệu chứng ho, sốt, thở khò khè… Sau hơn 10 ngày, triệu chứng khởi phát, bệnh nhi này có kết quả xét nghiệm dương tính với ho gà.

Tương tự, bé gái 4 tháng tuổi (ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng mới tiêm 1 mũi vaccine “6 trong 1” (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib). Bệnh nhi đã khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ, kết quả dương tính với ho gà.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 15 trường hợp mắc ho gà. Ảnh minh họa: CDC Hà Nội

Bác sĩ Bùi Thu Phương (Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ và tăng nặng sau 1-2 tuần.

Cho đến nay, ho gà vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch xảy ra khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất cả các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan và bùng phát của dịch bệnh, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, thời gian qua, CDC Hà Nội cùng trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã chủ động triển khai các hoạt động chuyên môn, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại 68 bệnh viện/cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, đề cập đến sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp như truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương...

Với những bệnh có vaccine phòng bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

Đối với những bệnh chưa có vaccine, người dân cần thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, che mũi, miệng khi hắt hơi...

Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, ho nhiều, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở… phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, cách ly và điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn