MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Tuấn Công (trái) trao đổi với nhà báo Xuân Hùng về cuốn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam".

Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam bị tố "đánh cắp, sao chép"

Xuân Hùng (thực hiện) LDO | 20/02/2020 10:10

Cho rằng cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” có nhiều mục "đánh cắp, sao chép" rất nhiều cách giải thích đã được công bố của mình, ông Hoàng Tuấn Công – tác giả công trình nổi tiếng: “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu” khá bức xúc. Ông Hoàng Tuấn Công đã trả lời PV Lao Động về sự việc này.

Từ đâu ông cho rằng cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” có nhiều mục sao chép từ công trình của mình đã công bố trước đó? Có ai nói với ông không?

- Chẳng ai nói với tôi cả. Hôm qua (18.2), tôi ghé qua một nhà sách ở TP.Thanh Hoá. Trên giá “Từ điển” của nhà sách, ngay cạnh công trình “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu” của tôi là cuốn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thuý Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên. Đây là cuốn từ điển khá dày dặn với 902 trang, in 3.000 cuốn, in xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2019; giá bìa 230.000đ. Đặc biệt, đây là sản phẩm liên kết của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty TNHH 1 thành viên TM&DV văn hoá Minh Long. 

Tôi tìm những mục thành ngữ tục ngữ lâu nay thường có nhiều tranh cãi, hoặc giải thích sai để xem trước, thì không khó để nhận ra là nhóm tác giả này đã ngang nhiên sao chép, đánh cắp rất nhiều cách giải thích công phu, độc đáo, lần đầu tiên được công bố của tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) trong khoảng thời gian gần 10 năm qua.

 Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công (trái) trao đổi về cuốn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam". Ảnh: X.H

Cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” có thực sự có nhiều vi phạm như ông nói, ông có thể chỉ rõ?

- Nhóm tác giả có một số kiểu đánh cắp như sau: Thứ nhất là đánh cắp nguyên văn các giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng. Chẳng hạn cách giải thích tục ngữ “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”, “Mồ cha không khóc, khóc đống mối, mồ mẹ chẳng khóc, khóc bối bòng bong”, “Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng” hay “Rút dây động rừng”… là kết quả của sự nghiền ngẫm, kết hợp kiến văn với tài liệu sách vở công phu của tôi.

Mới đọc lướt qua, tôi có thể chỉ ra hàng chục mục giải nghĩa thành ngữ, tục ngữ theo kiểu copy – paste như vậy.

Dạng thứ hai là đánh cắp theo kiểu tóm tắt, hoặc thay đổi tí chút, “biên tập” lại một số từ trong cách giải thích của tôi đã được công bố hoặc đánh cắp ý, đánh cắp cách giải thích mới, mà trước tôi, chưa từng có ai giải thích.

Ngoài ra, tôi còn phát hiện nhóm tác giả này còn đánh cắp cách giải thích của một số tác giả khác, ngay cả những mục giải nghĩa từ chưa chính xác trong cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân” mà tôi đã phản biện.

 Ông Hoàng Tuấn Công cho rằng khá nhiều phần copy từ công trình của ông đã công bố trước đó. Ảnh: X.H

Ngoài ra, ông thấy cuốn sách này còn những điều gì đáng bàn, đáng xem xét?

- Tôi khá bất ngờ, một nhà xuất bản lớn, uy tín như NXB Đại học Quốc gia Hà Nội lại có thể liên kết, cho ra đời cuốn sách được biên soạn một cách cẩu thả như vậy. Ngoài đầy rẫy những lỗi sao chép ngang nhiên như trên, cách thể hiện nội dung cũng rất cẩu thả, không khoa học.

Chẳng hạn, sách không hề có mục lời nhà xuất bản hay lời nói đầu, giới thiệu nhóm tác giả, trong 3 tác giả cũng không thấy ai đứng chủ biên, công trình được biên soạn dựa trên cơ sở khoa học, phương pháp nào; quan điểm tuyển chọn thành ngữ tục ngữ của nhóm tác giả ra sao, sách đã được hội đồng khoa học nào thẩm định… Tất cả đều rất mập mờ.

Ông Hoàng Tuấn Công với cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam“. Ảnh: X.H 

Tôi ngờ rằng, ngay chính tên của 3 tác giả trên chưa chắc đã là tên thật, vì chưa bao giờ tôi nghe đến tên tuổi trong lĩnh vực biên soạn từ điển, hay ngôn ngữ học nói chung. Ngay cả mục những chữ viết tắt trong từ điển cũng chỉ mỗi một từ “X – xem”, hay một công trình từ điển dày tới gần ngàn trang, mà mục sách tham khảo chỉ có tên 5 cuốn sách (5 cuốn này cũng không phải là những cuốn cơ bản).

Các ví dụ minh hoạ được dẫn trong sách cũng không rõ được thực hiện theo nguyên tắc nào. Tóm lại, chưa bao giờ tôi thấy một cuốn từ điển nào dày dặn, in đẹp, giấy tốt…mà lại cẩu thả về nội dung như thế.

Quan điểm của ông về việc này thế nào?

-  Như đã nói, tôi từng phát hiện rất nhiều vụ đạo văn, nhưng chỉ là chuyện đói ăn vụng túng làm càn (mục đích đăng báo lấy định mức, nhuận bút, hoặc sử dụng trên FB chơi chơi…), nên sau khi có lời xin lỗi chân thành, thì bỏ qua tất cả. Tuy nhiên, vụ “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” này là vụ lớn vì đây là hành vi đánh cắp mang tính tập thể; đánh cắp để làm nên loại sách “khuôn vàng thước ngọc” là từ điển, dày tới gần ngàn trang, sách lại được xuất bản ở một địa chỉ tên tuổi với số lượng tới 3.000 cuốn. Điều này thật khó có thể chấp nhận được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trao đổi với Lao Động, bà Thanh Phương - đại diện Cty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Văn Hoá Minh Long cho biết đã nhận được thông tin về việc độc giả Hoàng Tuấn Công cho rằng cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” do Cty liên kết với NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành) sao chép lại nội dung một số công trình mà ông Công đã xuất bản trước đó. "Chúng tôi đã liên hệ với các tác giả để xác minh"- đại diện Cty Minh Long nói và cho biết đến chiều 19.2, chưa nhận được phản hồi của các tác giả nên chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Về phía NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Phạm Thị Trâm - Giám đốc Nhà xuất bản – cho biết, chiều 19.2, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban giám đốc NXB đã yêu cầu phòng chức năng mang toàn bộ hồ sơ cuốn sách ra kiểm tra lại, xem các tác giả có cam kết về bản quyền không. Yêu cầu phòng quản lý gửi công văn hỏa tốc sang Cty Minh Long, đề nghị sáng 20.2 sang NXB làm việc để làm rõ thông tin.

Đặng Chung

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn