MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều loại thẻ na ná thẻ nhà báo đã được các cơ quan báo chí tự in và cấp tràn lan cho nhân viên.

Từ một số vụ phóng viên bị bắt giữ: Do không chịu rèn nghề và buông lỏng quản lý

Nhóm PV LDO | 04/08/2020 10:25

Từ thực trạng một số vụ phóng viên bị bắt giữ vì “tống tiền” doanh nghiệp, đặc biệt tập trung ở nhóm các tờ tạp chí thuộc tổ chức hội, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí lớn và uy tín cùng chia sẻ chung quan điểm: Đau lòng, đáng tiếc nhưng không bất ngờ. Đó là hệ quả tất yếu của việc phóng viên không chịu rèn nghề và cơ quan buông lỏng quản lý.

Hệ quả tất yếu 

Liên quan đến việc thời gian qua nhiều phóng viên của các tạp chí liên tục bị bắt vì hành vi cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp - “tống tiền”, nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận - cho rằng, đây là một vụ việc mà những người làm báo, Ban Biên tập của các tờ báo và cả những nhà quản lý báo chí phải thấy đau lòng.
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận. Ảnh: H.V

“Hiện tượng này tuy không nói lên tất cả, nhưng đang hé lộ một góc xấu xí của bức tranh báo chí. Và chúng ta không thể không quan tâm khi mà có thể từ đó, chúng ta đánh mất niềm tin từ độc giả” - nhà báo Trần Lan Anh thẳng thắn nêu quan điểm.

Theo nhà báo Trần Lan Anh, để xảy ra sự việc đau lòng kể trên, phải chăng chính bởi lãnh đạo những cơ quan có các phóng viên bị bắt giữ đã quá buông lỏng việc quản lý, rèn nghề, rèn đạo đức cho phóng viên? Thậm chí, không đảm bảo đời sống tối thiểu cho họ? Và phóng viên “làm liều” là hệ quả tất yếu? Nhà báo Trần Lan Anh cũng cho rằng, đang tồn tại một vài quan điểm lệch lạc về nghề báo của một số phóng viên, đặc biệt là mới làm nghề.

“Tôi vẫn cho rằng nghề báo là một nghề kiếm sống như bao nghề khác. Trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta là cung cấp thông tin khách quan trung thực chứ không phải chúng ta có quyền phán xét người này, áp chế hoặc “đánh đấm” người kia, nghĩa là nghề báo không phải để làm giàu. Suy nghĩ lệch lạc đó đã khiến phóng viên mới làm nghề dễ sa ngã, tôi nghĩ cũng là hệ quả tất yếu. 

Vì vậy, phóng viên, trước hết hãy rèn nghề, hãy đến với nghề viết bằng sự nhiệt huyết, cái tâm trong sáng, nghề sẽ không phụ. Trên hành trình của các phóng viên mới làm nghề, rất cần bàn tay dẫn lối của Ban Biên tập, hãy đảm bảo cho họ những điều kiện để tác nghiệp, để đảm bảo cuộc sống và một chỗ dựa để họ đủ động lực tiến về phía trước” - nhà báo Trần Lan Anh chia sẻ.

Con tin của những cơ chế lệch lạc

Cùng chung quan điểm với nhà báo Trần Lan Anh, nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết - cũng cho rằng, việc liên tục phải nghe tin phóng viên bị bắt vì hành vi cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp là điều hết sức đau lòng.

Nhà báo Lê Anh Đạt nói rằng, hiện nay, làng báo đang tồn tại song song 2 mô hình là “báo chí” và “na ná báo chí”. Và những vụ việc đáng tiếc thường xảy ra ở những mô hình “na ná báo chí”. 

“Chúng ta cần phải phân định rõ 2 loại mô hình này. Thực tế là thời gian qua có những tòa soạn hoạt động theo mô hình mà tôi cho là lệch lạc. Họ nửa doanh nghiệp, nửa báo chí. Họ sinh ra, tồn tại không vì mục đích cốt lõi của báo chí là phục vụ tin tức cho độc giả mà chỉ thuần túy chú trọng vào lợi nhuận, vào việc kiếm tiền. Mà mô hình đã không chuẩn thì sẽ có những xô lệch, sẽ có những sự cố là điều tất yếu...” - nhà báo Lê Anh Đạt nói.

Cũng theo nhà báo Lê Anh Đạt, việc báo chí khó khăn đang là thực trạng chung. Nhưng nếu một tòa soạn hoạt động theo quy chế vững, mô hình vững, nuôi được phóng viên thì không bao giờ phóng viên phải đi “làm tiền”, việc bắt bớ cũng sẽ không xảy ra.

Ông Đạt cũng tin rằng, nếu báo chí hoạt động đúng theo tôn chỉ mục đích được đăng ký trong giấy phép, thì sớm muộn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu sẽ được giảm thiểu.

Bị thu thẻ, mất chức vì cấp thẻ trái quy định

Một vấn đề cũng rất nhức nhối là chuyện nhiều tòa soạn tự in ra những chiếc thẻ có hình thức na ná thẻ nhà báo nhưng ghi là Thẻ phóng viên, Thẻ công tác, Thẻ Chứng nhận, Giấy giới thiệu… rồi cấp cho các nhân sự để tiện bề liên hệ làm việc. Cá biệt, có tòa soạn còn lập ra cả các câu lạc bộ như nhiếp ảnh, thơ… rồi chiêu mộ rầm rộ, cấp phát ra nhiều thẻ hội viên không khác gì một thẻ nhà báo chuyên nghiệp. 

Chiều 31.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, cục đã nắm được tình trạng này và trên thực tế, đã có nhiều giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh.

Ông Hiếu cho hay, theo pháp luật hiện hành, Thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được công nhận trong hoạt động báo chí. Đối với người chưa có thẻ thì có thể sử dụng Giấy giới thiệu của cơ quan cấp. Nhưng Giấy giới thiệu phải mang tính chính tắc. Nghĩa là phải do chính lãnh đạo cơ quan báo chí ký, ghi rõ nơi cử phóng viên đến và đến vì việc gì. Ngoài ra, tất cả giấy tờ khác đều không hợp lệ, không có giá trị. Các cơ quan, tổ chức hoàn toàn có quyền từ chối tiếp, trả lời phóng viên. 

Cũng theo lời ông Nguyễn Văn Hiếu, ngay từ năm 2018, cục đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố thông báo về tình trạng trên và đề nghị thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. “Thực tế là đã từng có lãnh đạo cơ quan báo chí bị kỷ luật vì cấp thẻ phóng viên sai quy định. Sau khi bị kỷ luật, vị này còn bị thu thẻ nhà báo và hiện không còn hoạt động trong nghề nữa” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho biết, với các trường hợp nhà báo đã được cấp thẻ nhưng cơ quan báo chí đang công tác đó vừa thực hiện sắp xếp lại nên có thể bị xóa xổ hoặc đổi tên thì chiếc thẻ nhà báo cũ đó hiển nhiên không còn giá trị. Việc cần làm là các nhà báo khẩn trương tiến hành đổi thẻ mới theo đúng trình tự đã được ban hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn