MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trịnh Bá Thông đã gây dựng được cơ ngơi tiền tỉ ở xứ miệt rừng. Ảnh: Văn Chuyên

Từ người đi làm thuê trở thành tỉ phú

Minh Chuyên LDO | 15/05/2023 08:17

Quê ở Thủ đô, nhưng ông Trịnh Bá Thông cùng gia đình lại chuyển lên sinh sống tại xứ miệt rừng, xóm Trại Sơn, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ông từng phải đi làm thuê, làm mướn kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày. Vậy mà khi ở tuổi xế chiều, ông lại sở hữu trang trại rộng 20ha. Mỗi năm doanh thu cả tỉ đồng.

Biệt phủ giữa rừng

Ngôi biệt thự rộng thênh thang, bề thế của gia đình ông Thông được xây dựng cách đây chục năm. Xung quanh nhà là vườn bưởi sai trĩu quả. Sau nhà đồi chè xanh ngút ngàn.

Khi chúng tôi đến thăm, gọi một hồi mới thấy ông Thông trên đồi đi xuống. Ông mặc bộ quần áo lao động đã ngả màu, bước đi thoăn thoắt trên lối mòn chẳng kém gì các chàng trai bản địa. Không ai nghĩ, năm nay ông Thông đã ngoài 60 tuổi, nhưng tinh thần lao động của ông khó ai bì.

Tính tình xởi lởi của người nông dân miền sơn cước thể hiện qua cái bắt tay lẫn lời nói của ông Thông.

“Tôi ở miệt rừng, lâu lắm mới có khách đến chơi. Ngày ngày nhìn cơ ngơi của mình phát triển là động lực để phấn đấu” - ông Thông chia sẻ.

Chưa kịp tan tuần trà, ông Thông đã mời khách đi tham quan cơ ngơi của gia đình. Sau mấy chục năm gây dựng, ông Thông đã tạo dựng cơ ngơi bề thế giữa rừng. Cạnh nhà là mấy ao cá, bờ được kè kiên cố. Dưới ao cá lội từng đàn. Hệ thống nước dẫn từ suối về được ông Thông làm rất kì công. Cạnh ao là hàng bưởi Diễn sai trĩu quả.

Ông Thông kể, ngày mua lại cái ao này là vạt ruộng trũng của bà con. Ông đã thuê máy xúc đào ao, be bờ. Ao sâu những 3m nước. Hai cái ao này, ông nuôi cá trắm. Ông Thông đã xây dựng thêm hệ thống chuồng lợn rộng 2.000 m2. Hiện ông đang nuôi 1.000 con lợn gia công cho công ty thực phẩm. Mục đích ông nuôi lợn nhằm cải tạo vùng đất khô cằn này.

“Nguồn phân tôi cho cá và vận chuyển lên đồi bón cho cây chè cây keo. Sau cả chục năm kiên trì làm theo cách này mà những đồi sỏi đá, khô cằn đã được cải tạo” - ông Thông chia sẻ.

Cả ngày ông ở ngoài vườn để làm việc. Cạnh dãy chuồng lợn khép kín là đồi chè xanh biếc. Ở phía cuối đồi, có tiếng ong bay vo ve. Hóa ra, ông Thông đặt mấy chục thùng ong mật nhằm khai thác mật hoa rừng.

Trai Thủ đô đi xây dựng vùng kinh tế mới

Hành trình làm giàu của ông Thông là chuỗi những ngày gian nan và vất vả. Sống ở giữa vùng đồng bào người Dao, người Mường, nhưng quê gốc của ông lại ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Đầu những năm 1960, bố mẹ ông nghe theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới ở đất Tây Bắc. Ông cụ thân sinh đã kéo cả nhà rời quê hương lên xã Yên Sơn này lập nghiệp.

Khi đó, ông Thông mới lên 6 tuổi. Gia đình sống ở rừng, thiếu ăn, thiếu mặc là chuyện thường tình. Bố mẹ ông lại sinh tới 9 người con, khiến gánh nặng cơm áo càng đặt lên đôi vai của bố mẹ. Ông là con lớn của gia đình, nên chỉ học biết cái mặt chữ, rồi nghỉ ở nhà làm lụng cùng bố mẹ lo cho đàn em nhỏ.

Suốt mấy chục năm sống ở rừng, ông cũng lang bạt khắp nơi làm thuê, làm mướn, kiếm cái ăn. Mãi đến năm 30 tuổi, ông mới lấy vợ. Có vợ rồi sinh con đẻ cái, ông mới thấm thía một điều giản dị, nông dân không có phương tiện sản xuất, đi làm thuê, làm mướn cả đời khó phát triển lên được. Sau nhiều năm đi làm thuê, ông đã tích góp tiền mua 20 ha đất.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn - cho biết, mô hình trang trại của ông Thông là điển hình làm kinh tế của xã và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 đến 6 người; lao động thời vụ 20 người, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Ông Thông rất năng động trong việc làm kinh tế được huyện và xã tặng nhiều bằng khen. Với mô hình trang trại tổng hợp của gia đình, ông Thông được Hội nông dân huyện Thanh Sơn, Hội nông dân tỉnh Phú Thọ khen thưởng, biểu dương là “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” giai đoạn (2012- 2017); (2017- 2022).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn