MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Phương Hằng, CEO của Đại Nam. Ảnh A.T

Từ sự việc bà Nguyễn Phương Hằng: Quy định mới về livestream sẽ thế nào?

Trần Tuấn LDO | 18/11/2021 11:34

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 72, các tài khoản livestream trên mạng xã hội phải đăng ký thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông (Bộ TTTT); các nội dung livestream vi phạm pháp luật phải gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ...

Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, đề nghị xử lý theo thẩm quyền đối với nội dung phát ngôn có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, CEO của Khu du lịch Đại Nam, diễn ra ngày 14.11.2021.

Trước đó, vào tháng 4.2021, bà Phương Hằng từng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt vi phạm hành chính đối do có hành vi cung cấp sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội.

Thời gian qua, tình trạng livestream có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; khiêu dâm; truyền bá tin giả xuất hiện nhiều, gây bức xúc dư luận. Nhiều bạn đọc đặt ra vấn đề, cần có quy định để quản lý các hoạt động livestream, tránh gây ra các hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 3 giờ

Thực tế, Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (đưa ra lấy ý kiến từ tháng 7.2021) đã đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. 

Hiện nay, mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của các mạng xã hội đều có thể livestream và bật kiếm tiền. Tuy vậy, theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 72, các mạng xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội chỉ được cho phép các tài khoản, trang, kênh tại Việt Nam được phát livestream khi các tài khoản này đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TTTT. 

Chương trình giao lưu ngày 14.11 của bà Hằng có cả luật sư, 1 tiến sĩ và Youtuber.

Cũng theo Dự thảo, dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ. 

Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì cũng phải thông báo. 

Dự thảo cũng quy định thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng ngắn hơn các nội dung vi phạm khác. Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TTTT thì đối với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.

Quản lý livestream là cần thiết

Trao đổi với Lao Động, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TPp.Hà Nội) cho rằng, hoạt động video phát trực tuyến (livestream) trên mạng xã hội đã mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao lưu, chia sẻ thông tin, thương mại điện tử nhưng cũng dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực như: bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; tổ chức; truyền bá tin giả. 

"Vì vậy việc bổ sung quy định về cơ chế quản lý đối với các tài khoản thực hiện livestream trên các mạng xã hội là rất cần thiết", luật sư La Văn Thái cho biết.

Cùng trao đổi với phóng viên, một số KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cho biết cũng cho rằng, khi đã đăng ký chính thức với Bộ TTTT thì người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các KOLs khi đăng tải thông tin hoặc thực hiện livestream chắc chắn sẽ có trách nhiệm hơn.

Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, dự thảo mới đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện. Việc quy định chủ tài khoản mạng xã hội cần thông báo thông tin liên hệ tới Bộ TTTT mới được livestream là một thủ tục gửi thông báo có mẫu sẵn rất đơn giản. Còn quy định những người mở kênh kiếm tiền trên mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube... phải thông báo mình là ai, ở đâu để cơ quan quản lý biết là cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn