MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vùng áp thấp bất ngờ hình thành bão và nhanh chóng mạnh lên, giật cấp 11-12, khiến hàng nghìn người chết và mất tích. Ảnh: NCHMF

Từ thảm họa bão Linda năm 1997, không thể chủ quan với vùng áp thấp đang hình thành trên Biển Đông

Kh.V LDO | 28/10/2017 12:35
Hiện nay (28.10), dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Nam Trung Bộ nối với một vùng áp thấp có vị trí lúc 7 giờ ở vào khoảng 7,0-9,0 độ Vĩ Bắc; 112,0-114,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển quần đảo Trường Sa.

Nhiều ý kiến chuyên gia lưu ý vùng áp thấp này có thể thay đổi bất ngờ, nguy hiểm. 

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Nam.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng gió giật mạnh cấp 6-7; sóng biển cao từ 1,5-2,5 m; biển động.  

Cảnh báo: Vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thời tiết các vùng biển phía Nam.

Một số chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, không nên chủ quan với vùng áp thấp này, "quy luật thiên nhiên" có thể lặp lại. Bởi 20 năm trước, một vùng áp thấp cũng đã bất ngờ mạnh lên thành cơn bão Linda đổ bộ vào Nam Bộ - vùng đất “trăm năm không có bão” và bất ngờ gây thảm họa với hàng nghìn người chết và mất tích. Nguyên do cũng bởi sự chủ quan của cả chính quyền địa phương và người dân vùng đất này, khi cho rằng, bão không thể đổ bộ vào vùng đất này.

12 giờ ngày 2.11.1997 tâm bão Linda đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12. Bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3.11.1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.

Bão Linda gây thiệt hại của 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ làm: 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; 2.897 tàu bị chìm, 1.856 tàu thuyền bị hư hỏng, 316 tàu thuyền mất tích; 107.892 nhà đổ sập, 204.564 nhà bị hư hại, 1.424 phòng học bị hư hỏng, 5.727 phòng học đổ, sập; 136.334ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ, ngập, 323.050ha diện tích lúa bị ngập hư hại. Thiệt hại vật chất ước tính gần 7.200 tỉ đồng.

Cơn bão Linda đã làm hầu hết các tuyến đê biển của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang bị tràn và hư hại, một số tuyến bị hư hại nặng và bị vỡ nhiều đoạn. Theo thống kê của các tỉnh, chỉ tính riêng về hệ thống đê điều đã có tới hơn 400km đê biển bị tràn và vỡ (cao trình hiện trạng của các tuyến đê phổ biến từ 1,5-2m).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn