MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình từng mắc COVID-19 của anh Nguyễn Phước Toàn vui vẻ sau khi điều trị. Ảnh: LT

“Tự tin, sự sẻ chia là liều vaccine mạnh nhất với người mắc COVID-19”

Lục Tùng LDO | 13/09/2021 17:41

Trong quá trình điều trị, sự tự tin và sẻ chia chân tình của người thân, đồng nghiệp... là liều vaccine mạnh nhất giúp gia đình cùng mắc COVID-19 ở TP.Long Xuyên vượt qua làn ranh sinh tử.

Đoạn kết có hậu của cả nhà là F0

Đúng 1 tuần trở lại làm việc sau thời gian cách ly điều trị mắc COVID-19 (bệnh nhân F0), anh Nguyễn Phước Toàn (sinh năm 1981) - nhân viên Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế TP.Long Xuyên, An Giang) - đồng ý tiếp chuyện tại nhà riêng ở phường Mỹ Phước (Long Xuyên) vào giờ nghỉ trưa.

Lúc tôi đến, anh Toàn cùng vợ là Nguyễn Thị Cẩm Huyền (sinh năm 1986) đang vui vẻ xem phát lại chương trình học online của con trai Nguyễn Kim Long (sinh năm 2012, đang học lớp 4) trên sóng truyền hình...  

Đã gần 1,5 tháng trôi qua, nhưng anh Toàn vẫn chưa hết cảm xúc khi nhắc lại thời khắc cả nhà cùng là F0.

Chiều 3.8, nghe vợ báo, con trai sốt, anh Toàn chỉ dẫn thuốc uống. Tuy nhiên, đến tan giờ làm, thấy con vẫn sốt, anh Toàn thoáng nghi ngờ nên đưa con đi xét nghiệm.

“Tôi hết hồn khi kết quả test nhanh của con trai dương tính với SARS-CoV-2” - anh Toàn nhớ lại. “Tuy nhiên, sau đó, tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh vì nghĩ vợ chồng vẫn khỏe để chăm sóc con”.

Thế nhưng, đến hôm sau, vợ chồng anh Toàn bất ngờ khi kết quả PCR xác định 3 người trong gia đình là F0. Bất ngờ vì cả hai không hề có triệu chứng bất thường nào. Thậm chí, theo anh Toàn, 5 ngày sau khi vào khu điều trị, vợ chồng anh mới bắt đầu ho, đau họng, sốt...

Anh Nguyễn Phước Toàn. Ảnh: LT

Sau 14 ngày chống chọi với những cơn đau hành hạ, gia đình 3 người của anh Toàn đã hoàn toàn bình thường và xuất viện. Tiếp tục hành trình tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày với nhiều lần xét nghiệm, xác định đã hoàn toàn bình phục và âm tính với SARS-CoV-2, anh Toàn trở lại cơ quan làm việc trong sự vui mừng của lãnh đạo và đồng nghiệp đơn vị. Con trai cũng vào năm học mới, còn vợ anh Toàn cũng chuẩn bị trở lại làm việc tại công ty may sau thời gian tạm ngưng để thực hiện giãn cách xã hội.

Bài học COVID-19

Ngồi trò chuyện với tôi, anh Toàn tự trách mình đã vì sơ suất nhỏ trong quá trình thu dung, lấy mẫu mà khiến cả nhà trở thành F0.

Là thành viên tích cực của khoa, anh Toàn xông xáo vào những điểm cách ly, khu điều trị, khu phong tỏa để thực hiện lấy mẫu. Vốn là người kỹ tính, anh rất thận trọng trong các lần tiếp xúc đối tượng lấy mẫu. Vì vậy, những ngày điều trị, anh đã tua lại toàn bộ "những thước phim" trong hành trình hoạt động để xem xét và phát hiện ra sơ hở duy nhất. Đó là  lần lấy mẫu các đối tượng F1 đang cách ly tại cơ sở trường nghề, anh đã sơ suất trong thao tác tháo đồ bảo hộ. Tuy nhiên, do thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh và bình thường nên anh nghĩ không có gì.

Đến khi nghe tin con dương tính, anh thấy ân hận. Vì vậy, an Toàn gửi lời nhắn đến mọi người: Virus rất nguy hiểm. Nó có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào khi có cơ hội dù rất nhỏ. Vì vậy, phải thật sự thận trọng và đảm bảo đúng các thao tác an toàn phòng chống dịch. Nếu tiếp xúc với người có nguy cơ, không được lơ là. Và phải chủ động xét nghiệm ngay để kịp thời bảo vệ người xung quanh.

Ngoài ra, khi đã mắc COVID-19 thì phải chủ động tạo ra “vaccine” cho chính mình. Khi vào khu điều trị, anh Toàn đã tự buộc mình phải vươn lên khỏi những lo lắng, tự tin và truyền lửa tự tin sang vợ và con. Bởi theo anh Toàn, đến thời điểm là F0, vợ anh tiêm vacccine mũi 1 mới được 1 tuần, còn anh tiêm vaccine mũi 2 cũng mới được 5 ngày. Tức chưa đủ thời gian đủ để phát huy kháng thể... Vì vậy, anh phải tự nghĩ ra cách tạo kháng thể bên ngoài thuốc cho mình và cho cả gia đình.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Huyền đang cùng con trai thao tác về giờ học online. Ảnh: LT

Anh Toàn nhớ lại: “Sau khi thay phiên nhau chăm sóc cho con bị sốt, đến ngày thứ 5, hai vợ chồng bắt đầu bị virus tấn công. Ho, đau họng, sốt và đau nhức cơ bắp và mệt mỏi. Đặc biệt là miệng mất vị giác nên không thèm ăn”.

Sau khi tự vấn phải cố gắng ăn để có sức chống chọi với bệnh, anh Toàn quyết định chia suất ăn ra thành nhiều phần nhỏ để mình cố gắng ăn và động viên vợ con cùng ăn. Cứ thế, sau khi hết phần này, cả nhà lại cố ăn thêm phần tiếp theo... Nhờ đó mà vừa tạo ra động lực vươn lên, vừa nâng đề kháng cho cơ thể chiến đấu với bệnh.

Tuy nhiên, theo anh Toàn, bên cạnh nỗ lực cá nhân, còn có yếu tố hết sức quan trọng là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của lãnh đạo, đồng nghiệp và người thân...  Những ngày hay tin gia đình anh toàn mắc COVID-19, lãnh đạo trung tâm, khoa và những đồng nghiệp trong đơn vị và những người trong thân tộc, còn thường xuyên điện thoại, nhắn tin động viên, gửi vào nhiều món ăn... để giúp gia đình thay đổi khẩu vị. Thậm chí, đến gần ngày thứ 14, điện thoại của vợ chồng như cháy trước cơn bão lời thăm hỏi: Khi nào ra, đi bằng gì về nhà... “Chính những lời sẻ chia này đã giúp gia đình tôi có thêm sức mạnh để tạo ra loại vaccine mạnh nhất để vượt qua con virus có độc lực bậc nhất hiện nay” - anh Toàn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn