MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(ảnh minh họa/nguồn: P.K).

Từ vụ pin sạc dự phòng phát nổ trên máy bay: Người ngồi cạnh nên làm gì?

Thế Lâm LDO | 27/12/2019 16:32

Sự việc đã xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu AK130 của hãng hàng không AirAsia từ Malaysia đi Hồng Kông vào chiều ngày 25.12. Mang theo lên máy bay, pin sạc dự phòng đã phát nổ khiến cho một hành khách bị thương.

Tình thế buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất để đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Nạn nhân được chẩn đoán bị phỏng do nổ sạc dự phòng diện tích 12% độ 2 và 3, bị phỏng 4% độ 3 ở tay trái, chân trái, mông trái; phỏng sâu diện tích 4% ở mặt sau đùi trái.  

Việc phát nổ pin sạc dự phòng không phải là chưa từng xảy ra, chính vì thế hiện nay các hãng hàng không cấm hành khách để pin sạc dự phòng theo hành lí kí gửi mà chỉ được mang theo trong hành lí xách tay.

Trong quá trình bay, các hãng hàng không chỉ khuyến cáo hành khách không sử dụng các thiết bị điện tử, thu phát sóng cũng như sạc phin cho điện thoại trong lúc cất và hạ cánh, còn khi máy bay đã đạt độ cao ổn định thì hành khách được phép sử dụng.

Theo ông Vũ Thanh Thắng – Phó chủ tịch Công ty BKAV phụ trách mảng sản xuất phần cứng, sau vụ nổ pin sạc dự phòng vừa qua các hãng hàng không nên xem xét lại các qui định về việc mang pin sạc dự phòng và việc sử dụng pin sạc dự phòng trên chuyến bay.

Ông Thắng cho rằng, việc chỉ cấm sử dụng sạc dự phòng trong quá trình máy bay cất và hạ cánh dường như chưa đủ, mà cần xem xét việc mang theo sạc dự phòng phải để trong hộp bảo vệ, cũng như xem xét cấm việc sạc pin dự phòng trong suốt chuyến bay. Bởi trên thực tế, ngay cả đối với những chuyến bay kéo dài cả chục giờ thì trên máy bay cũng đã cung cấp nguồn điện cho hành khách sạc các thiết bị điện tử.

Ông Thắng cũng cho biết, sạc dự phòng và pin điện thoại chỉ khác về số lượng cell, còn về các tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật thì không khác nhau.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay bán nhiều nguồn pin sạc dự phòng khác nhau, trong đó có những nguồn không có thương hiệu, hoặc thương hiệu ít ai biết, giá cả cũng vô chừng và có khả năng pin sạc không bảo đảm các yếu tố kĩ thuật an toàn. Đây chính là lỗ hổng mà bộ phận kiểm tra an ninh tại sân bay và các hãng hàng không chưa thể  kiểm soát được, mà phụ thuộc nhiều vào ý thức, nhận thức của hành khách.

Trước câu hỏi nếu bạn ngồi cạnh một người đang sạc điện thoại bằng pin sạc dự phòng khi máy bay đang trong hành trình thì nên làm gì, ông Thắng cho rằng biện pháp duy nhất hiện nay cũng chỉ là nhắc nhở hoặc giải thích về tính rủi ro và nguy hiểm cháy nổ chứ không thể làm gì hơn. Bởi việc sạc điện thoại bằng pin dự phòng khi máy bay đã đạt độ cao ổn định không phải là hành vi bị cấm, vì thế hành khách không hề vi phạm, nếu có báo lại sự việc với tiếp viên thì cũng khó mà xử lí.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn