MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bao bì 2 sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam nằm trong danh sách thu hồi của FSAI.

Từ vụ thu hồi mì Hảo Hảo: Việt Nam nên đưa ra quy định về hàm lượng EO

Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn (Hà Nội) LDO | 29/08/2021 16:29

Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) đang xác minh thông tin về việc sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam được cho là phát hiện có chất cấm ethylene oxide (EO). 

Lý do lô mì Hảo Hảo và miến bị thu hồi

Theo thông tin từ website của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đăng tải vào ngày 20.8, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất ethylene oxide (EO). Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh Châu Âu (EU).

Trong danh sách thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24.9.2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10.11.2022) là của Công ty Acecook Việt Nam. Sản phẩm còn lại là mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30.11.2022) có xuất xứ từ Trung Quốc.

FSAI nêu dù việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm chất này không gây ra rủi ro cấp tính, nhưng việc tiêu thụ ethylene oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Do đó, cần giảm thiểu tiêu thụ ethylene oxide.

Đã từng có sản phẩm mì bị thu hồi

Đây không phải là lần đầu tiên một sản phẩm mì bị thu hồi trên thế giới. Vào ngày 12.8.2020, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Ramen Rabokki (thương hiệu Paldo của Hàn Quốc) vì có hàm lượng EO cao.

Cùng thời điểm, hệ thống cảnh báo sớm RASFF của Liên minh Châu Âu cũng ra thông báo về sản phẩm "Mì ăn liền hải sản" được sản xuất tại nhà máy Busan ở Nongshim và "Mì ăn liền bánh gạo xào" được sản xuất tại nhà máy Paldo Icheon.

Ngay sau đó, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành điều tra, kết quả xét nghiệm phát hiện 0,11㎎/㎏ EO trong hành lá khô của mì ăn liền thủy sản Nongshim xuất khẩu và 2,2㎎/㎏ EO trong gói rau bán ở thị trường nội địa. Ngoài ra, MFDS còn phát hiện 12,1 ㎎/㎏ trong gói gia vị.

Qua sự cố này, MFDS Hàn Quốc đã quy định tiêu chuẩn giới hạn tạm thời dưới 30 mg/kg, thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 10 mg/kg.

EO được sử dụng khá rộng rãi trong khử trùng, như khử trùng thực phẩm, dệt may, thuốc và thiết bị phẫu thuật. Về cơ chế khử trùng, EO khi gặp các vi sinh vật sẽ xảy ra quá trình Alkyl hoá ADN và ARN, làm bất hoạt vi sinh vật, nên EO trở thành thuốc khử trùng phổ rộng. Tuy nhiên, chính vì EO làm biến đổi vật chất di truyền ADN và ARN, tức là biến đổi gen, nên tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Năm 1981, Đức cấm sử dụng EO làm thuốc trừ sâu và khử trùng thực phẩm, đến năm 1991 thì Liên minh Châu Âu cũng chính thức ban hành lệnh cấm. Ngược lại, ở Châu Á, thậm chí cả Mỹ và Canada vẫn cho phép sử dụng EO làm chất khử trùng hay thuốc bảo vệ thực vật.

Mỗi quốc gia quy định hàm lượng EO khác nhau

Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… trong đó có Việt Nam, chưa đưa ra quy định về hàm lượng EO trong thực phẩm.

Châu Âu chỉ cho phép từ 0,02 – 0,1 mg/kg.

Canada cho phép hàm lượng EO ở mức 500 mg/kg và 2-CE giới hạn ở mức 1500 mg/kg. Hoa Kỳ cho phép EO và 2-CE trong các loại gia vị, thảo mộc khô, rau khô và hạt có dầu (kể cả vừng) ở mức 7 và 940 mg/kg. Riêng quả óc chó được quy định bổ sung với mức dung sai 50 mg/kg tại thị trường Mỹ.

Không chỉ mì ăn liền của Việt Nam bị thu hồi ở Châu Âu, mà Hàn Quốc và Trung Quốc cũng bị. Tuỳ theo quy định tiêu chuẩn EO của từng quốc gia, một gói mì ở Châu Á thì an toàn, sang Canada cũng sẽ an toàn, đến Mỹ khắt khe hơn chút, nhưng sang Châu Âu thì rất dễ bị thu hồi.

Vì vậy, để an toàn sức khỏe người tiêu dùng cũng như phù hợp với các quy định thương mại tại các thị trường trên thế giới, Việt Nam cần đưa ra các quy định về hàm lượng EO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn