MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh trong một buổi sinh hoạt tập thể. Ảnh: Tri thức trẻ

Từ vụ trường Lương Thế Vinh: Để học sinh phải rơi nước mắt, giáo dục đã thất bại

QUANG ĐẠI LDO | 02/10/2017 15:00
Tính nhân văn, khai phóng là nền tảng, mục tiêu của giáo dục tiến bộ. Để phụ huynh phải than phiền trường “hà khắc”, và học sinh phải rơi nước mắt, thì giáo dục đã thất bại.

Từ vụ việc một phụ huynh phản ánh việc GV chủ nhiệm trường Lương Thế Vinh có lối giáo dục “hà khắc”, bày tỏ nguyện vọng được xin chuyển lớp, đã hé lộ đó là chủ trương chung của nhà trường.

Đã có nhiều nước mắt, của HS, và phụ huynh, từ những bức xúc, bất bình trong mối quan hệ giáo dục giữa nhà trường – học sinh – gia đình.

Không khóc sao được, khi mà từ lá đơn có tính chất riêng tư giữa mẹ và cô Hiệu phó, nội dung “yêu cầu đổi GV chủ nhiệm” kèm tên HS, đã được công khai trước lớp. Hãy tưởng tượng, những ánh mắt “hình viên đạn” tạo ra áp lực lớn như thế nào cho HS đó.

Khó mà cười, bình tĩnh được, với thông điệp “đơn giản” từ nhà trường: Không thích, thì chuyển trường; và của GV chủ nhiệm: Tôi có quyền từ chối dạy HS nào tôi không thích (?)

Một HS, chỉ chậm quá 5 phút, và có thể do nguyên nhân bất khả kháng, thì không được vào lớp, và buộc phải “lao động công ích” trong thời gian còn lại.

Ai cũng hiểu, HS, không bao giờ cố ý đi muộn. Vậy mà, các em mất luôn một tiết học, buộc phải làm việc mà mình không muốn, lại còn có tên trong “sổ đen” (vì đã vi phạm nội quy). Liệu có cần thiết làm đến như vậy không?

Thay vì phạt, có thể GV, Hiệu trưởng hỏi nguyên nhân, nhắc nhở và động viên em lần sau đi đúng giờ. Không chỉ nước mắt được thay bằng nụ cười, mà còn bằng sự cảm động, ân nghĩa ghi nhớ mãi trong lòng.

Chỉ vì làm không đủ số lượng bài tập GV giao về nhà (18/28), mà HS cũng phải viết bản kiểm điểm, coi như đó là hành vi phạm lỗi (?). GV có quyền đánh giá HS bằng điểm số, chứ không thể bắt HS viết kiểm điểm, hay chép phạt về lỗi đó được.

Thậm chí, HS ngủ gật trong lớp, cũng bị xử lý. Ngủ gật là phản ứng sinh lý bình thường, do HS thiếu ngủ, hoặc bài giảng quá chán. Trước hết cần xem xét trách nhiệm của nhà trường, GV, chứ không chỉ nhăm nhăm “đè” HS ra kỷ luật. Hãy thử làm học trò một ngày, các vị sẽ hiểu các em đang chịu áp lực như thế nào.

Thậm chí, HS “không ghi chép bài trên lớp đầy đủ” cũng bị trừng phạt (?). HS có thể không cần ghi chép (vì thông tin đã đầy đủ trong SGK, tài liệu, hoặc em đó có thể tự lĩnh hội được). Đây là quy định hình thức, áp đặt.

Sau sự việc vừa qua, HS đó đã phải chuyển trường; có thể không nổi tiếng bằng Lương Thế Vinh, nhưng em sẽ không còn phải khóc, vì những điều không đáng.       

Một ngôi trường tốt, đâu chỉ là những thành tích bề nổi vượt trội, mà quan trọng hơn, phải là một ngôi trường đầy ắp tình yêu thương, chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn