MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM chuẩn bị các kịch bản để bước vào giai đoạn bình thường mới với mục tiêu trọng tâm là vừa phục hồi kinh tế vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Ảnh minh hoạ: Nam Dương

Tuần “bản lề” cho bình thường mới ở TPHCM sau 30.9

Huyên Nguyễn LDO | 27/09/2021 10:07

Hôm nay (27.9) mở đầu một tuần mới cả nước chờ đợi TPHCM chuyển sang trạng thái bình thường mới. Sau 30.9, TPHCM sẽ triển khai hàng loạt kế hoạch phục hồi kinh tế và các giải pháp sống trong môi trường có COVID-19.

Nhiều tín hiệu khả quan

Gần 160 ngày căng mình chống dịch kể từ thời điểm đợt bùng phát dịch thứ 4, TPHCM đang bước vào một giai đoạn vô cùng đặc biệt trong suốt 4 tháng qua. Dự kiến, TPHCM sẽ ban hành một chỉ thị mới thực hiện từ 0h ngày 1.10.2021.

Trước quyết định quan trọng này, hàng loạt các tín hiệu tích cực, khả quan cho thấy TPHCM đang nỗ lực kiểm soát dịch, củng cố nền tảng vững chắc cho cuộc sống bình thường mới. Tất cả chờ một thời mốc chống dịch mới.

Từ 22.9 đến nay, TPHCM bước vào cao điểm xét nghiệm theo kế hoạch. Mỗi ngày, toàn thành phố lấy khoảng trên 1 triệu mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy tỉ lệ dương tính giảm dần qua từng đợt. Kết quả lấy mẫu của ngày 22.9 đến 25.9 lần lượt ở vùng xanh 0,2% - 0,1%; vùng cận xanh 0,3% - 0,2%; vùng vàng không đổi 0,2%; vùng cam 0,6% - 0,3%; vùng đỏ 0,7% - 0,4%.

“Tỉ lệ dương chung các vùng ngày 22.9 là 0,4% giảm còn 0,2% ngày 25.9. Tỉ lượng dương tính giảm là một tín hiệu đáng mừng, giảm dần qua từng đợt", ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) chia sẻ.

 Thông tin về tình hình dịch COVID-19 ngày 26.9 tại TPHCM. Nguồn: CTTCV

Về những tín hiệu tích cực trong những ngày qua, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh về 2 số liệu giảm rõ rệt là số bệnh nhân nặng đang thở máy, số người tử vong ngày càng giảm.

 Số ca tử vong tại TPHCM có chiều hướng giảm dần. Nguồn: CTTCV

Trong khi đó, số lượng tiêm vaccine tăng mạnh. Đến nay, TPHCM đã có khoảng 95% người dân đã tiêm mũi 1 và gần 40% tiêm mũi 2.

Tỉ lệ vùng đỏ, cam đã thu hẹp rõ và vùng xanh được mở rộng. Tuy nhiên, số lượng ca mắc mới của TPHCM vẫn ở mức cao, khoảng 5.000 ca mỗi ngày.

 Số liệu tiêm vaccine tại các quận, huyện của TPHCM tính đến 26.9. Nguồn: CTTCV

Thẻ xanh và lộ trình bình thường mới

Để từng bước mở cửa lại nền kinh tế, thẻ xanh chính là từ khóa được nhắc đến nhiều trong kế hoạch mới. Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ là những đơn vị đầu tiên của TPHCM thí điểm “thẻ xanh COVID-19” từ ngày 16.9 với nhiều hoạt động được mở cửa trở lại. Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh nguyên tắc “An toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn”.

Nhiều hoạt động được thí điểm mở lại tại quận 7. Ảnh: Thanh Vũ

TPHCM đang xây dựng 11 chiến lược cho thời kỳ bình thường mới. Trong đó có chiến lược về y tế, an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch vừa kinh doanh, sản xuất.

Trong giai đoạn bình thường mới sau 1.10, dự kiến thành phố sẽ thực hiện lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 1-31.10.2021, giai đoạn 2 từ ngày 1.11.2021-15.1.2022, giai đoạn 3 sau ngày 15.1.2022.

 TPHCM đang dần mở rộng các vùng xanh. Bản đồ số ca dương tính mới tại các quận huyện. Số ca mắc mới nhiều thì màu xanh càng đậm. Nguồn: CTTCV

“Để có thể sớm nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế, TPHCM sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch. Có phòng chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Việc phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt” – ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.

Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế quận 7. Ảnh: TTBC

Trong chiến lược ấy, quận 7 tiếp tục là một trong những quận huyện đi đầu trong bình thường mới với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và khôi phục kinh tế.

Dần chuyển đổi công năng bệnh viện

Ngành Y tế TPHCM cũng đang tích cực chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn bình thường mới. Trong đó, sẽ thu hẹp bệnh viện dã chiến thu dung để trả lại công năng ban đầu.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết "Theo biểu đồ tình hình dịch, hiện nay, thành phố đã qua đỉnh điểm của dịch cũng như việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt. Như vậy, tình hình phòng chống dịch từ nay đến cuối năm, ngành Y tế có một số kế hoạch", bà Mai cho hay.

 Chiến lược về y tế trong giai đoạn mới cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Anh Tú - Thanh Vũ 

Về kế hoạch thu hẹp bệnh viện, trước tiên, từ nay đến cuối tháng 9 sẽ trả lại công năng cho Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện đa khoa Củ Chi để tham gia điều trị bệnh nhân không phải COVID-19.

Các bệnh viện dã chiến thu dung, khi đã hoàn thành sứ mệnh, tức khi không còn bệnh nhân, thì sẽ thu hẹp lại. Theo lịch trình của Sở Y tế đang trình UBND TPHCM, Ban chỉ đạo phòng chống dịch, các bệnh viện dã chiến thu dung tại khu vực quận, huyện, thành phố sẽ dần thu hẹp từ nay đến hết 2021 để trả lại trường học cho có các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở dã chiến thu dung, ngành Y tế sẽ cơ cấu lại bệnh viện 3 tầng trong một bệnh viện dã chiến và sẽ giữ lại các bệnh viện có gắn kết với trung tâm hồi sức, gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16.

Về số giường cấp cứu ICU, hiện, thành phố có 3.286 giường ICU, đại diện Sở Y tế nhấn mạnh số giường này đảm bảo đủ tốt cho người dân khi có tình huống ở cấp độ cao nhất.

Lên kế hoạch mở cửa trở lại trường học 

Sau ngày 30.9, huyện Cần Giờ rà soát việc đảm bảo an toàn chống dịch, tổ chức dạy học trực tiếp tại các trường đủ điều kiện. Trong đó, Trường Tiểu học Thạnh An và THCS-THPT Thạnh An đang xây dựng kế hoạch mở cửa, đón học sinh đi học lại.

TPHCM đề xuất mở cửa trường học ở vùng an toàn. Ảnh: Ngọc Lê

Trao đổi với Lao Động, bà Võ Thị Diễm Phượng - Trưởng phòng GDĐT huyện Cần Giờ cho biết, dự kiến, các trường sẽ tổ chức học ở những khối đầu cấp như lớp 1, 2, 6, 9, 12; sau đó đánh giá tình hình rồi tiếp tục tổ chức khối còn lại.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, phương án được Phòng GDĐT đề xuất là xét nghiệm RT-PCR cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học trước khi tổ chức dạy học trực tiếp, định kỳ test nhanh 1 lần/tuần. Ngoài ra, các giáo viên tham gia giảng dạy trực tiếp đảm bảo tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi vaccine. Về cơ sở vật chất, các trường lớp đang được trưng dụng làm khu cách ly tạm thời phải hoàn tất việc bàn giao lại cơ sở vật chất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn