MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từng là nhân viên Manulife, nhưng chị Nhung vẫn nếm trái đắng khi gửi tiết kiệm SCB. Ảnh: TG

Từng là nhân viên Manulife, nhưng vẫn nếm trái đắng khi gửi tiết kiệm SCB

Tùng Giang - Đinh Thiện LDO | 27/04/2023 18:45
Dù từng là nhân viên cũ của hãng bảo hiểm nhân thọ Manulife, tuy nhiên chị Lương Vũ Trang Nhung vẫn phải nếm trái đắng khi mang tiền đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB), bởi tiền tiết kiệm của chị lại trở thành khoản tiền mua bảo hiểm của chính công ty mà mình từng làm.

Nhân viên cũ Manufile vẫn “dính bẫy” gửi tiết kiệm

Chị Lương Vũ Trang Nhung (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bản thân trước đây từng làm nhân viên của bảo hiểm Manulife, nhưng vẫn phải nếm trái đắng khi mang tiền đi gửi tiết kiệm tại SCB. Bởi, số tiền này lại trở thành khoản tiền mua bảo hiểm của chính công ty mà chị từng làm.

Bức xúc, chị Nhung phản ánh đến Lao Động, ngày 14.8.2021, chị mang 100 triệu đồng đến SCB Bạch Mai để gửi tiết kiệm. Tại đây, nhân viên ngân hàng tư vấn cho chị tham gia “gửi tiết kiệm theo hình thức mới” và sẽ được tặng kèm gói bảo vệ sức khỏe “Tâm an đầu tư”.

Nếu đồng ý tham gia gói gửi tiết kiệm linh hoạt trong vòng 6 năm, những khách hàng như chị Nhung sẽ nhận được lãi suất cao hơn các sản phẩm hiện có tại ngân hàng.

“Sau khi nghe tư vấn, bản thân tôi vẫn tin tưởng mình sẽ gửi tiền theo hình thức gửi tiết kiệm và được tặng thêm gói bảo vệ sức khỏe nên mới đồng ý ký tham gia.

Tuy nhiên, hôm đó nhân viên ngân hàng chỉ cho tôi vào ký, còn toàn bộ thông tin tôi không được tự khai mà sẽ được nhân viên khai lại sau đó”, chị Nhung kể lại.

Ngày 19.10.2022 là hạn cuối để nộp tiếp tiền vào gói dịch vụ nói trên, chị Nhung đã chuẩn bị thêm 100 triệu đồng để gửi vào nơi mà chị nghĩ rằng đó là khoản tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên thời điểm đó, SCB xảy ra một số sự cố nên nhân viên tư vấn đã hướng dẫn chị Nhung đến bảo hiểm Manulife.

Tại Manulife, nhân viên bảo hiểm giải thích các điều khoản trong hợp đồng. Đến đây chị Nhung mới biết rằng chẳng có khoản đầu tư, tiết kiệm nào theo đúng kỳ vọng ban đầu của chị.

Khách hàng tố cáo nhiều mục điền thông tin trong hồ sơ hợp đồng với Manulife bị khai khống, không đúng sự thật. Ảnh: Đinh Thiện

Chị Nhung khẳng định, trong hợp đồng chỉ có chữ ký là của chị, còn các thông tin cá nhân, tiền sử bệnh… đều bị nhân viên khai khống để hợp thức hồ sơ.

Trong tin nhắn trao đổi, nhân viên ngân hàng cũng luôn tư vấn dịch vụ mà mình giới thiệu cho chị Nhung là khoản tiết kiệm có lãi suất cao, đầu tư sinh lời và không có nội dung nào nhắc tới việc tư vấn bảo hiểm.

Hiện nay có hàng trăm trường hợp người dân ở Hà Nội cũng rơi vào hoàn cảnh như chị Nhung và đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB nhưng bị biến thành mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife.

Chủ yếu trong số này là người có thu nhập không cao, ít hiểu biết về tài chính ngân hàng và lại là khách hàng lâu năm của SCB nên trong quá trình được nhân viên tư vấn từ gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm, đa số người dân vì tin tưởng nên không có bằng chứng về việc tư vấn “bẫy khách hàng”.

Manulife hứa gặp từng khách hàng

Trước vấn đề này, mới đây Manulife cho biết, đã rà soát từng khiếu nại của khách hàng. Phần lớn các trường hợp cho thấy không có đủ chứng cứ chứng minh các nội dung khiếu nại của khách hàng.

Đối với một vài trường hợp tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái trong quá trình tư vấn, công ty này đã thực hiện biện pháp kỷ luật cứng rắn đối với các cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc báo cáo tới các cơ quan chức năng.

Đại diện Manulife khẳng định sẽ liên hệ với các khách hàng để tìm ra phương án giải quyết khiếu nại, bắt đầu từ tuần này.

Các cuộc đối thoại với khách hàng được Manulife dự kiến sẽ đạt được giải pháp vào khoảng ngày 30.6.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn