MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hoá.

Tượng đài to hay bé cũng là tiền dân, cần cẩn trọng

Xuân Hùng LDO | 07/05/2020 06:30

Trong lúc đang ngập đầu vì nợ tiếp khách khi lên nông thôn mới, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá lại đề xuất xây dựng tượng đài Bà Triệu 20 tỉ đồng ở công viên. Giới sử học Thanh Hoá cho rằng, Yên Định không cần chơi lớn như thế vì tỉnh cũng đã có dự án làm tượng đài Bà Triệu rồi.

Thông tin UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá đề xuất xây dựng tượng đài Bà Triệu với tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng trong thời điểm huyện này đang nợ tới 52 tỉ đồng tiền tiếp khách đang gây xôn xao dư luận. 

Đáng nói, dự án tượng đài này là dự án khác nhưng lại là một hạng mục của dự án Công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định (dự định sẽ đặt tên là quảng trường Bà Triệu). Trước đó, UBND huyện Yên Định đã thực hiện xong các bước triển khai dự án công viên quảng trường nói trên với tổng mức đầu tư hơn 131 tỉ đồng.

Trước sự kiện này, trả lời Lao Động, TS Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thanh Hoá cho rằng, việc xây tượng đài làm điểm nhấn cho công viên quảng trường trung tâm của huyện, giáo dục lòng yêu nước là điều tốt, vấn đề là cần thực hiện sao cho hợp lý.

Theo TS Lê Ngọc Tạo, ông là thành viên trong Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông biết việc đặt tượng Bà Triệu ở Yên Định cũng nêu ra rồi; "nhưng vấn đề là đặt ở đâu chưa có đồng thuận cao vì tượng của cụ đặt ở đâu, như thế nào đâu có thể tuỳ tiện được, nó phải có quy tắc của nó, phải theo quy chế 113 của Bộ VHTTDL chứ có phải thích đặt thế nào thì đặt đâu".

Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hoá, việc đặt tượng Bà Triệu ở công viên như vậy trong thời điểm này là chưa phù hợp. "Phải suy nghĩ cho cẩn trọng, vì tiền nào cũng là tiền của dân, đặt không đúng vị trí hay mẫu tượng không phù hợp cũng là thất thoát tiền của dân". 

TS Lê Ngọc Tạo cũng cho hay, huyện Yên Định chưa có tham vấn ý kiến Hội về việc đặt tượng này.

Cùng quan điểm trên, Nhà nghiên cứu Phạm Tấn - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thanh Hoá cũng cho rằng, việc xây dựng tượng đài ở Yên Định, nơi Bà Triệu sinh ra là hợp lý vì cho đến nay, ở Thanh Hoá có 2 nơi thờ chính là Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá. Trong quần thể này, dưới chân núi Tùng - nơi Bà Triệu tuẫn tiết vẫn còn lăng mộ Bà. Nơi thứ hai là khu vực núi Nưa - nơi Bà Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa năm 248. 

Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Tấn, huyện Yên Định chỉ nên đặt một tượng đài Bà Triệu cỡ nhỏ trong công viên chứ không nên làm to. 

TS Tấn cho hay, Thanh Hoá đã có dự án dựng tượng đài Bà Triệu với quy mô lớn ở quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu và sẽ thực hiện trong thời gian tới. "Vậy mà nay huyện Yên Định lại làm thế thì chơi mạnh ga hơn tỉnh rồi". 

"Nên làm tượng một vài tỉ thôi chứ chơi hàng chục tỉ như thế nó lãng phí, vì còn có thể vượt dự toán lên đến hàng trăm tỉ, huyện nên khiêm tốn làm vừa phải thôi. Trong lúc đất nước, địa phương đang khó khăn nên cân nhắc, có nên làm lớn như dự án của tỉnh hay không, nhất là khi huyện này đang lùm xùm với chuyện nợ hàng chục tỉ tiếp khách, xây dựng" - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thanh Hoá nêu vấn đề. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn