MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (người cầm loa) trong một lần đi tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 cho người dân xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ông đã hy sinh trong đợt chống dịch COVID-19. Ảnh: GĐCC

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19: Sáng mãi những tấm gương quên thân vì cộng đồng

Nguyễn Ly LDO | 19/11/2021 09:06

Hôm nay (19.11), Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 cùng diễn ra tại Hà Nội và TPHCM.

“Tháng 11 năm nay, anh Nhẫn tròn 60 tuổi và sẽ về hưu. Nhưng không kịp nữa rồi... Anh đã sống trọn vẹn với mọi người, mất đi cũng trọn vẹn với nghề” - bà Thân Ngọc Hương kể về chồng bác sĩ, Trạm trưởng Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TPHCM), trong rưng rưng nước mắt và lòng tự hào. Tại quận 4, ông Trịnh Huỳnh - người bảo vệ dân phố 69 tuổi đã qua đời sau hơn 10 ngày nguy kịch chống chọi với COVID-19, hay tại quận Bình Tân TPHCM, chiến sĩ Nguyễn Thành Đạt - đã hy sinh khi mới 23 tuổi trong thời gian làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19…

TPHCM đến nay vẫn còn hàng nghìn người đang xông pha nơi tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, thậm chí tử vong để góp phần mang lại cuộc sống “bình thường mới” cho người dân thành phố. Những con người quên thân mình nơi tuyến đầu chống dịch vẫn luôn là niềm tự hào của gia đình và hàng triệu người dân thành phố. 

Quyết bám trụ chiến đấu với dịch

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TPHCM), cũng là bác sĩ duy nhất của cơ sở. Trong dịch COVID-19, ông cùng 4 nhân viên đảm nhận truy vết F0, điều tra F1, lấy mẫu, xét nghiệm. Thời điểm căng thẳng nhất tại xã Phước Lộc, mỗi lần lấy mẫu lại phát hiện hàng chục F0. Để bảo vệ gia đình, bác sĩ Nhẫn ở lại trạm y tế, không về nhà.

Thuộc đối tượng ưu tiên đợt 1 được tiêm vaccine phòng COVID-19, nhưng vì huyết áp cao lúc bấy giờ nên bác sĩ Nhẫn bị trì hoãn tiêm. Không có “áo giáp” bảo vệ, ông vẫn quyết bám trụ cùng anh em Trạm y tế xã Phước Lộc, nơi ông gắn bó suốt 38 năm qua. 

Đến tháng 7, bác sĩ Nhẫn và gia đình đều mắc COVID-19. Ngay cả khi đang điều trị, ông vẫn tư vấn qua điện thoại cho các bệnh nhân COVID-19 khác. Sau đó, ông hôn mê và được chuyển lên tuyến cao nhất, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức). Ông qua đời khi chỉ 3 tháng nữa sẽ đến ngày nghỉ hưu. 

“Anh ấy sống vì cái chung, có khi quên luôn mình cũng có bệnh. Gia đình đau lắm, nhưng tự hào về anh” - bà Thân Ngọc Hương kể về chồng - bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - người đã qua đời vì COVID-19 khi tham gia phòng chống dịch.

Đến nay, TPHCM vẫn còn hàng nghìn người đang xông pha ở tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, thậm chí tử vong để góp phần mang lại cuộc sống “bình thường mới” cho hơn 10 triệu người dân thành phố. 

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè TPHCM) cho biết, từ khi Phước Lộc còn là vùng sông nước khó khăn, bác sĩ Nhẫn đã chèo ghe đi khám bệnh, cấp cứu cho bà con. Khi dịch COVID-19 bùng phát tại địa phương, bác sĩ Nhẫn lại là người trực tiếp đưa các ca mắc bệnh đi cách ly tập trung. “Bà con xã Phước Lộc tiếc thương bác Nhẫn…” - ông Trung ngậm ngùi. 

Quên thân mình vì sức khỏe cộng đồng

Vào thời điểm TPHCM ở đỉnh dịch, không chỉ lực lượng y tế tại các bệnh viện mất ăn, mất ngủ vì cứu người, mà lực lượng tuyến cơ sở cũng ngày đêm bám trụ để truy vết, khoanh vùng và hỗ trợ F0.

Những người to khỏe như ông Đinh Chánh Định thuộc ban Bảo vệ dân phố phường 22 (quận Bình Thạnh, TPHCM) bị nhiễm COVID-19 cùng với 2 đồng đội khác, nhưng ông Định lại chuyển biến nặng và tử vong nhanh chóng. Sau đó ít ngày, cha ông cũng mất vì COVID-19.

Ông Trần Văn Minh - Phó ban Bảo vệ dân phố phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM - nhớ lại: "Thời điểm đó, bàn thờ lập vội, chỉ biết lấy hình thẻ làm ảnh thờ. Mãi cho đến gần đây, đồng nghiệp mới làm được 2 tấm hình thờ chu đáo cho gia đình ông Định".

Cùng lúc mất đi 2 người thân là sự thật quá sức với người mẹ già và con trai thơ dại của ông Định. Gọi là thơ dại, vì cậu bé đã 22 tuổi, nhưng mang trí óc non nớt của trẻ lên 5 lên 6, vẫn ngơ ngác hỏi “ba đâu, ba đâu”. “Xót xa lắm, Định nó gà trống nuôi con bao nhiêu năm nay. Thằng bé bị thiểu năng, hai chân yếu liệt. Bây giờ nó hết nằm rồi ngồi chờ ba nó về. Đau lòng lắm mà biết làm sao…” - ông Trần Văn Minh chia sẻ về hoàn cảnh người anh em vừa qua đời.

Bà Thái Thị Hồng Nga - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh - cho biết, đối với lực lượng tuyến đầu, Quận ủy - UBND quận Bình Thạnh luôn quan tâm và động viên thường xuyên. “Lãnh đạo quận Bình Thạnh và phường 22 đã trực tiếp thăm hỏi, mong được chia sẻ phần nào nỗi mất mát với gia đình anh Đinh Chánh Định. Hoàn cảnh con trai anh Định cũng được chăm lo theo chế độ của trẻ khuyết tật tại địa phương” - bà Hồng Nga thông tin và nhấn mạnh, các cô chú, anh chị ở khu phố, tổ dân phố đã luôn xông xáo, chia sẻ trách nhiệm cùng với địa phương mà không nề hà vất vả.

Tại quận 4, ông Trịnh Huỳnh - người bảo vệ dân phố 69 tuổi đã qua đời sau hơn 10 ngày nguy kịch chống chọi với COVID-19 hay tại quận Bình Tân, chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt - đã hy sinh khi mới 23 tuổi trong thời gian làm nhiệm vụ phòng chống COVID-19… Dù vậy, không có ai rời bỏ cuộc chiến đấu không khói này. Và sau những hy sinh, mất mát tinh thần, những "chiến sĩ" tuyến đầu vẫn luôn là niềm tự hào của gia đình và gần 10 triệu người dân TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn