MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
4 đứa con với 4 ước mơ về tương lai được đi học thành tài là động lực của ông Đức sau khi vợ mất. Ảnh: Anh Tú

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19: Vượt nỗi đau để tiếp tục sống

Khánh Linh LDO | 19/11/2021 10:30

Theo thống kê đến hết ngày 16.11, số người đã tử vong vì COVID-19 của cả nước là 23.270 người, trong đó TPHCM có 17.263 người, chiếm 74% tỉ lệ tử vong cả nước. 

Giảm thiểu những mất mát

Những ngày hè năm 2021, khi COVID-19 kéo đến mang theo những cuộc chia ly đầy bất ngờ. Đó là những ngày hè khó quên nhất của những người đã bị dịch bệnh cướp đi người thân yêu, biết bao đứa trẻ còn chưa trưởng thành đã rơi vào hoàn cảnh mồ côi cha, mồ côi mẹ... Những mất mát to lớn ấy, để lại trong lòng mỗi người một vết hằn sâu, đau và nhớ dai dẳng. Không chỉ những người có người thân mất vì COVID-19, mà bất cứ ai chứng kiến những ngày tháng khốc liệt, những khoảnh khắc đẫm nước mắt đó, chẳng thể nào nguôi.

Trong sâu thẳm của tiềm thức, những ngày tháng kể từ khi mẹ qua đời vì dịch COVID-19 trong bệnh viện dã chiến mà cả gia đình không được nhìn mặt lần cuối khiến em Võ Quyên Tiền Định (15 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) luôn ám ảnh về sự "bất lực", vì đã không thể ở bên khi mẹ bị bệnh trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. 

Những ngày TPHCM ở đỉnh dịch, là lúc cả 6 thành viên trong gia đình của Tiền Định gồm bố, mẹ và 4 anh em đều không may mắc bệnh. Tiền Định là con thứ 2 trong nhà, cũng là người gần gũi với mẹ nhất.

Gia đình vốn phụ thuộc vào hàng bánh canh của người mẹ bởi ông Võ Văn Đức - bố của Tiền Định mang căn bệnh tai biến, chỉ có thể mở hàng nước bán trước nhà, kiếm chút tiền qua ngày. Trụ cột chính trong gia đình ra đi, cũng là lúc gánh nặng và áp lực dồn lại lên những "người ở lại". Song không vì thế mà 5 bố con chịu bỏ cuộc trước số phận. Giờ đây, khi tình hình dịch bệnh ổn định, Tiền Định sáng ở nhà học, tối đi làm thêm để kiếm tiền đi đóng học phí. Dù mới chỉ ở ngưỡng tuổi 15, nhưng ngần ấy khó khăn cũng không làm Tiền Định nhụt chí.

"Nhớ đến mẹ là tụi em đau lòng lắm, chỉ biết khóc... Nhưng nếu khóc nhiều cha thấy cha suy sụp nên phải mạnh mẽ để cha sống cùng tụi em lâu hơn nữa. Em không muốn em út của em mất mẹ rồi lại mất cha, mới có 11, 12 tuổi thôi. Em mong rằng anh em tụi em đều có thể thực hiện được ước mơ riêng của mình, ước mơ của em là được trở thành luật sư" - Tiền Định mạnh mẽ nói.

Mang bệnh nhưng khi vợ mất, ông Đức luôn cố gắng không gục ngã khi nghĩ về tương lai của 4 đứa con.

"Ngày bà ấy còn sống, chúng tôi đã nói dù mình có khổ cũng phải lo cho 4 con ăn học tới nơi. Tôi phải cố gắng để hoàn thành nguyện vọng đó, để lo cho Tấn Định (con út) học đến hết lớp 12 như anh chị" - ông Đức chia sẻ.

Khi trò chuyện về ngày lễ tưởng niệm cho người mất vì COVID-19, ông Đức rưng rưng, câu chữ ngắt quãng.

"Chỉ mong rằng dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát để cuộc sống của gia đình tôi được ổn định, các cháu được đi học, đó là ước mơ lớn nhất của vợ tôi. Mỗi lần nhớ đến bà ấy là tôi tự nhủ phải cố gắng lên, làm chỗ dựa cho các con"- ông tâm sự.

"Mỗi cá nhân không lơ là thì dịch bệnh sẽ không lặp lại"

Vợ anh Nguyễn Quốc Thái (ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, quận Bình Thạnh) mất trong những ngày đầu tháng 8. Lúc trước khi mất, vợ anh Thái làm tổ phó của tổ 81A, Khu phố 6, phường 26. Công việc của chị vào những ngày hè tháng 7 giống như những cán bộ địa phương khác là đi tới tận nhà phát quà, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, rồi vận động giúp đỡ người dân đăng ký tiêm vaccine COVID-19. Đó cũng là những ngày cuối đời đầy ý nghĩa của chị. Lần cuối cùng anh Thái được gặp vợ là giây phút anh đưa vợ qua ngưỡng cửa bệnh viện.

"Đêm đó tôi với con trai lớn ngồi ngoài cửa viện chờ đợi tin từ bên ngoài, chờ hết đêm qua sáng thì người ta kêu về đi có thông tin gì bác sĩ sẽ báo. Lúc tôi mang thẻ bảo hiểm của vợ đến, thì người ta nói với tôi là thôi anh cầm về đi vợ anh mất hồi 20h20 ngày 8.8 rồi"- anh kể.

Dịch bệnh căng thẳng, mọi thứ đều không được như bình thường, hình thờ cho vợ cũng khó khăn lắm anh Thái mới nhờ người chỉnh sửa lại từ tấm hình cũ trong điện thoại vợ rồi in ra làm ảnh thờ. Dịch bệnh ổn định hơn, anh mới làm được bàn thờ ngay ngắn cho chị, treo ngay ở vị trí bên trên chiếc võng mà anh hay ngồi.

"Xung quanh tôi, nhiều người cũng mất người thân ở đợt dịch này. Không được chăm sóc, không được nhìn người thân phút cuối, không được tổ chức tang lễ đúng nghi thức phong tục, đó là những tổn thất không dễ bù đắp... Tôi biết nỗi đau rồi sẽ phải bước qua, cuộc sống rồi sẽ phải đi tới, tôi còn 3 đứa con, đứa lớn đã đi làm cũng đỡ đần được giúp bố, nhưng còn 2 đứa nhỏ vẫn còn đi học, mình phải cố gắng thôi" - Anh Thái giãi bày.

Trải qua sự ra đi đột ngột của người vợ sau những ngày chống dịch, anh Thái càng biết ơn và cảm thông hơn tới những nhân viên y tế đã "ngã xuống" vì dịch bệnh và đồng cảm hơn với những gia đình cũng có người thân mất đi vì COVID-19. Nỗi lo về dịch bệnh vẫn còn hiện hữu bên trong anh Thái.

"Con trai lớn của tôi giờ đã đi làm trở lại, tôi lúc nào cũng dặn cháu phải hết sức cẩn thận, chính bản thân tôi cũng vậy. Mỗi cá nhân không lơ là thì dịch bệnh sẽ không lặp lại"- Anh Thái nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn